Ấn tượng các mô hình sản xuất hiệu quả

Cập nhật, 05:54, Thứ Năm, 05/12/2019 (GMT+7)

Qua đợt giám sát thực hiện Nghị quyết năm 2019 tại huyện Bình Tân cho thấy địa phương đã có nhiều cách làm mới, nổi bật trong lãnh- chỉ đạo thực hiện nghị quyết trên các lĩnh vực. Nổi bật là đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải)- thăm hỏi tình hình đời sống bà con địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (bìa phải)- thăm hỏi tình hình đời sống bà con địa phương.

Đến huyện Bình Tân vào thời gian này không khó để bắt gặp những vườn mít Thái xanh tươi đang cho những trái mít to vàng bắt mắt.

Đón đoàn khảo sát, chú Lê Văn Lùng (xã Thành Đông) cười tươi rói cho biết: “Tui mới trồng mít Thái khoảng 4 năm nay. Lúc đầu thì trồng vài công sau đó thấy hiệu quả nên trồng thêm vài công nữa”.

Theo chú, giống mít này phù hợp thổ nhưỡng, lại mau ra trái, ít tốn công chăm sóc, thị trường đang chấp nhận. Giá mít cỡ 15.000- 20.000 đ/kg là nông dân có thể “sống được”.

Vậy là chú mạnh dạn chuyển đổi trồng mít Thái toàn bộ diện tích vườn. Đến nay thì gia đình chú có đến 20 công đất trồng loại mít này.

Hiện tại vườn mít mang lại thu nhập cho gia đình chú khoảng 1,5- 1,6 tỷ đồng/năm. “Mình là nông dân với mức thu nhập như thế là quá êm rồi”- chú phấn khởi khoe.

Bà Võ Ngọc Thơ- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân cho biết: Mô hình trồng mít Thái mang lại hiệu quả cao, tính ra, thực lãi từ 400- 500 triệu đồng/ha/năm. Vì thế giống cây này được nhiều người dân đầu tư trồng và diện tích ngày càng mở rộng.

Ngoài mô hình này, địa phương có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và đã được nhân rộng như mô hình trồng rau trong nhà lưới; trồng thanh long ruột đỏ, thực lãi gần 550 triệu đồng/ha/năm; trồng dưa hấu tết, thực lãi 400- 500 triệu đồng/ha/năm; trồng hành lá, thực lãi 200- 300 triệu đồng/ha/năm; trồng đậu nành dưới ruộng…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mách- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Tân, năm 2019, huyện thực hiện có hiệu quả đưa cây màu xuống ruộng với diện tích trên 20.210ha, đạt 111,78% kế hoạch, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây màu và sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình ứng dụng kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới được nhân rộng.

Qua khảo sát thực tế các mô hình kinh tế tại huyện Bình Tân cho thấy, người dân địa phương ngày càng chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp an toàn. Bởi đây là hướng đi mới vừa tạo ra sản phẩm chất lượng, vừa đảm bảo môi trường lẫn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tiêu biểu ở xã Tân Bình có đến hàng chục héc ta đất sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của các hộ dân ở ấp Tân Thới, Tân Qui. Theo lời của anh Đặng Hoàng Minh ở ấp Tân Qui thì “trồng rau trong nhà lưới có nhiều cái lợi lắm”. Do trồng trong nhà lưới ít sâu bọ gây hại nên hạn chế phân bón, chăm sóc cũng khỏe, ít gây ô nhiễm môi trường mà sản phẩm thì chất lượng, bảo vệ sức khỏe người dùng…

Đưa đoàn thăm mô hình trồng ớt trong nhà lưới, anh Minh giới thiệu: “Trước đây, anh trồng hành lá, cải bẹ dúng thấy hiệu quả lắm, năng suất cao, giá cũng cao nữa. Nếu so với mô hình ngoài thì mô hình này lợi nhuận cao hơn gấp 2- 3 lần”.

Anh cho biết thêm, sắp tới anh sẽ rủ thêm bà con xung quanh áp dụng cách trồng này rồi thành lập hợp tác xã rau sạch. Để qua đó có thể mang nhiều sản phẩm an toàn đến với người dân. Và “tui cũng mong muốn, địa phương hỗ trợ, giới thiệu tìm đầu mối, bao tiêu sản phẩm để người dân phấn khởi mà an tâm sản xuất”- anh bày tỏ.

Phải có định hướng đầu ra lâu dài cho nông sản

 Chú Lê Văn Lùng phấn khởi giới thiệu về vườn mít Thái.
Chú Lê Văn Lùng phấn khởi giới thiệu về vườn mít Thái.

Tham gia đoàn giám sát của Tỉnh ủy mới đây, ông Phạm Tứ Phương- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh- đánh giá: Qua khảo sát thực tế thì địa phương có những mô hình nông nghiệp ấn tượng và có thể nhân rộng.

Tuy nhiên, nếu xét tổng thể việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết thì địa phương vẫn còn một số chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt.

Ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho rằng, dù địa phương còn một vài chỉ tiêu chưa đạt nhưng so với năm 2018 Bình Tân cũng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu như khoai lang, thanh long và các cây có múi…

Ông đề nghị huyện cần khuyến khích người dân quan tâm đến việc sản xuất sạch, an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng phân thuốc trong sản xuất.

Theo ông Liêu Cẩm Hiền, đối với hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành thì hợp tác xã phải tự chủ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ, đổi mới công nghệ quản trị, đầu tư nguồn nhân lực.

Và lãnh đạo địa phương nên nắm những khó khăn để kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ kịp thời và được tốt hơn…

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- lưu ý: Bình Tân cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu còn lại.

Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, điều chỉnh từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp như mít, khoai lang; cùng với đó vận động nhân dân thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và phải có định hướng đầu ra lâu dài cho nông sản.

Thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2019, Huyện ủy Bình Tân ước thực hiện đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu; có 4 chỉ tiêu đạt từ 87,92%- 98,3%; 2 chỉ tiêu còn lại cuối năm mới đánh giá. Nổi bật, giá trị sản xuất ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên 336 tỷ đồng, đạt 104,53%; thu ngân sách nhà nước, đạt 117,36%; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,7%, đạt 100%; tạo việc làm mới cho trên 600 lao động, đạt trên 200%; kết nạp 123 đảng viên, đạt 123%...

Bài, ảnh: CẨM HUỆ