Từ Nghị quyết "thuận thiên"- biến thách thức thành cơ hội

Kỳ 2: Biến đổi khí hậu đến sớm hơn kịch bản

Cập nhật, 14:46, Thứ Ba, 05/11/2019 (GMT+7)

Những kịch bản của biến đổi khí hậu (BĐKH) cứ tưởng ở “thì tương lai” nhưng thực tế đang hiện ra ngày một rõ nét và ngày một gay gắt.

Lũ giảm mạnh, xâm nhập mặn đến sớm, phạm vi mở rộng; sụt lún có nơi lên tới 5,74cm mỗi năm... là những thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt.

Biến đổi khí hậu đến sớm hơn kịch bản.
Biến đổi khí hậu đến sớm hơn kịch bản.

Hạn- mặn, sạt lở chưa từng có

Vĩnh Long là tỉnh không giáp biển, từ trước đến nay vẫn đầy ắp nước ngọt quanh năm, nhưng năm 2016 thật khó quên đối với nhiều nông dân, khi “bất ngờ, mới đầu mùa khô, nước đã chuyển mặn khiến cây héo, lúa chết, thiếu nước sinh hoạt”.

Ngồi trong nhà nhìn ra sông nước đầy ắp “nhưng không xài được”, anh Điều Công Khanh- người dân sống tại cồn Thanh Long (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) cho biết: Ngay tết thì đê bao cồn Thanh Long sạt lở, nước tràn ngập nhà và vườn cây ăn trái.

Nhiều vườn bưởi da xanh, sầu riêng, tứ quý, đu đủ bị chết. Không chỉ triều cường, mà nước mặn xâm nhập khiến cho nguồn nước sinh hoạt của người dân gặp khó.

Nguồn nước mặt “mặn lơ lớ nên chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình”. Để có nước ngọt, người dân nơi đây có lúc phải tìm đến ao hồ mà trước đây được đào để nuôi cá nay để trữ nước ngọt sử dụng.

Thời điểm này, chúng tôi ngược về Hậu Giang khi nước mặn đã tới TX Ngã Bảy, “đánh” cả 2 hướng biển Tây và biển Đông- điều mà trước đây chưa từng có.

Nếu không có đê bao, giải pháp ứng phó thì Hậu Giang sẽ mất trắng một nửa diện tích lúa. Điều đáng lo là mặn xâm nhập vào địa bàn không còn theo quy luật trước đó là đi theo hướng biển Tây từ Kiên Giang qua, mà lại xâm nhập từ 2 hướng khác là từ cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vào kinh xáng Cái Côn và theo hướng kinh Quản Lộ- Phụng Hiệp.

Đưa chúng tôi thực tế tại xã Vĩnh Viễn A, một cán bộ nông nghiệp huyện Long Mỹ bảo rằng, mặc dù Long Mỹ đã có kinh nghiệm “sống chung với mặn” ở một số khu vực nhiều năm rồi, nhưng việc mặn tràn đê ở Vĩnh Viễn A thì rất bất ngờ và bất thường.

Sạt lở sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới- An Giang) vào tháng 4/2017.
Sạt lở sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới- An Giang) vào tháng 4/2017.

Trong khi đó, người dân đầu nguồn An Giang những năm gần đây cũng đau đáu nỗi lo sạt lở bờ sông. Trở lại khu vực sạt lở nghiêm trọng ở sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới- An Giang) khiến 16 căn nhà rơi xuống sông vào tháng 4/2017, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết từ trước đến nay, chưa bao giờ vùng quê yên bình này lại “nóng” như vậy.

Giờ đi đến đâu cũng thấy biển báo nguy hiểm, cấm vào khu vực sạt lở. Lực lượng công an, dân quân lập chốt kiểm tra gắt gao không cho ai vào nơi nguy hiểm.

Đến sớm hơn kịch bản

Ông Hoàng Văn Bảy- Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên- Môi trường)- cho biết, từ năm 2000 đến nay có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ.

Lũ có xu hướng đến muộn hơn. Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu là lũ vừa và nhỏ (chiếm 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng.

Về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, vào các tháng mùa khô, trong những năm gần đây, do BĐKH và nguồn nước thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên, bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng nguồn dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng, thay đổi lớn, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

“Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, từ năm 2010 tới nay diễn biến ngày càng phức tạp và tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất khoảng 300ha đất, rừng ngập mặn ven biển”- ông Hoàng Văn Bảy cho biết.

Trong 20 năm đã có khoảng 10 nghiên cứu của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước về quá trình sụt lún, sạt lở và nước biển dâng, đều có chung kết quả: ĐBSCL bị lún trung bình khoảng 18cm do hậu quả của việc hạ thấp mực nước dưới đất.

Ông Hoàng Văn Bảy nhận định việc vận hành xả nước của các hồ ở thượng lưu sông Mekong đã dẫn đến tình trạng suy giảm dòng chảy cục bộ trong một số thời gian, nhất là đầu mùa lũ.

Đơn cử, mùa khô năm 2015- 2016, biến động thời tiết do hiện tượng El Nino, toàn bộ lưu vực sông Mekong đã đối mặt với một mùa khô rất khắc nghiệt, trong đó vùng ĐBSCL phải chịu các tác động nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử và có diễn biến cực kỳ phức tạp, dòng chảy vào ĐBSCL giảm ở mức lịch sử.

Bộ trưởng Tài nguyên- Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, diễn biến của BĐKH đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản dự báo. Vì vậy, cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông diễn ra như thế nào để có hướng giải quyết phù hợp.

Sụt lún đất trải dài từ TP Hồ Chí Minh xuống đồng bằng

Kết quả đo mốc cao độ giai đoạn 2014- 2017 tại 339 mốc đo ở TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL cho thấy có đến 306 mốc lún so với năm 2005. Trong số này, lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân), lên đến 81,4cm và Phường 1 (TP Bạc Liêu) là 62,2cm. Điều đáng lo ngại là tốc độ lún đang diễn ra rất cao. Căn cứ vào mức độ đo được, phân vùng sơ bộ, vùng lún trên 10cm có diện tích khoảng 3.400km2 ở 7 tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nguyên nhân sụt lún được xác định có liên quan đến hoạt động khai thác nước ngầm và suy giảm mực nước ngầm.

Kỳ 3: Giao thông đồng bằng- “chiếc áo quá chật”

Bài, ảnh: NHÓM PV