Câu chuyện cuối tuần

Hình tượng người thầy

Cập nhật, 08:00, Thứ Bảy, 16/11/2019 (GMT+7)

Trong cuộc sống, có lẽ người thầy là hình ảnh gắn bó nhiều nhất, thân thương và luôn đồng hành trên từng bước đường chúng ta đi.

Người thầy không chỉ “vỗ về an ủi” ta ngay từ ngày đầu tiên đi học “mắt ướt nhạt nhòa”, “cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay”… mà còn đóng vai như người cha, mẹ hiền “mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”, dù cho “thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay”. Nhưng người thầy không như người đưa đò học trò qua sông là hết trách nhiệm, vẫn luôn “dõi theo bước em trên cuộc đời”…

Nhiều người chia sẻ rằng, dù đã xa mái trường tiểu học, cấp 2, cấp 3… nhưng câu chuyện về thầy, cô, những kỷ niệm dấu yêu thời cắp sách đến trường luôn đầy ắp trong tim. Những câu chuyện bình dị, nghiêm khắc, hình ảnh người thầy đáng kính luôn là chuyện dài bất tận. Có rất nhiều người thầy đã trở thành hình tượng cho nhiều thế hệ học trò học tập và noi gương sáng bằng chuẩn mực sư phạm, tận tụy yêu thương.

Ngày nay, không ít câu chuyện học trò “phát cuồng” thầy cô của mình trên mạng xã hội, vì vừa là “hình mẫu” về trí tuệ vừa là “model” về gu thời trang. Các nhà sư phạm quan niệm “lao động của người giáo viên là loại lao động mang tính nghệ thuật”, bục giảng cũng là sân khấu của giáo viên. Do vậy, người thầy như người dẫn chương trình, biết dùng chiêu ảo thuật để triển khai các kỹ thuật dạy học sinh động, đẹp như người mẫu để tạo thêm hứng thú, sử dụng chất giọng ca sĩ để giảng bài hay ơi là hay... người thầy tạo thêm màu sắc, đầy cảm xúc và đầy ấn tượng.

Hơn nữa, người thầy hiện đại cũng phải biết tận dụng mạng xã hội tương tác với học trò. Một giáo viên chia sẻ, mạng xã hội mang đến rất nhiều lời động viên như những liều vitamin từ người học, đồng thời cũng nhận kèm hàng đống “gạch đá”, nhưng đều là những kỷ niệm rất có giá trị. Khi lên mạng xã hội, người thầy cũng như những bác sĩ, kỹ sư, nông dân... đều có quyền y như nhau! Miễn là đừng có làm cái gì cho người ta phản cảm thôi. Thầy phải học ngôn ngữ xì-tin để biết mà giao tiếp với học trò.

Nhà giáo hôm nay, theo một cách nào đó, đang phải chịu nhiều áp lực. Thế nên, phải luôn thay đổi, luôn phải tạo dựng những chuẩn mực mới, thích nghi với chuẩn mực mới. Nhà giáo phải là nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa kết hợp với nhau mới làm nên chuẩn mực của nhà giáo trong xã hội hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Do vậy, hình tượng, tấm gương nhà giáo luôn có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn, để truyền cảm hứng “một thứ ham” cho thế hệ trẻ là “ham học, ham làm, ham tiến bộ”.

TRẦN PHƯỚC