Nông thôn Mỹ Lộc đổi thay hơn chục lần

Cập nhật, 05:25, Thứ Tư, 25/09/2019 (GMT+7)

Đảng bộ xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã lãnh đạo nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới theo Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, xứng đáng là xã anh hùng trong kháng chiến và đang hướng đến xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Đầu ra ổn định, thu nhập khá hơn

Cây thanh long ruột đỏ được đảm bảo đầu ra ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Cây thanh long ruột đỏ được đảm bảo đầu ra ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Là hộ đầu tiên của xã trồng thanh long ruột đỏ, đến nay ông Nguyễn Hữu Phước (Ba Phước, ở Ấp 9, xã Mỹ Lộc) đã có 12 năm gắn bó với cây thanh long.

Ông Ba Phước kể: “Trước đây, khi còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã, tôi đã tham quan học hỏi nhiều mô hình hiệu quả.

Nhận thấy cây thanh long khá phù hợp với vùng đất này, nên tôi bắt tay trồng và vận động hội viên chuyển đổi mô hình để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn và từng bước tham gia làm kinh tế tập thể”.

Thành lập từ tháng 6/2018, hiện Tổ hợp tác sản xuất Thanh long ruột đỏ Mỹ Lộc có 32 thành viên với tổng diện tích 15,6ha do ông Ba Phước làm tổ trưởng.

Với quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc (do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Long hỗ trợ), nên đầu ra của tổ hợp tác khá ổn định.

Hiện, đang được một công ty bao tiêu giá cao hơn 10% so thị trường với điều kiện sử dụng phân thuốc hữu cơ và thuốc vi sinh do công ty cung cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

“Nông dân mình ngày càng có ý thức hơn trong sản xuất nông nghiệp. Bây giờ mà làm ăn không theo quy trình thì hàng hóa không xuất khẩu được, đầu ra cũng không ổn định”- ông Ba Phước nói.

Được Phòng Nông nghiệp- PTNT hỗ trợ 9 triệu đồng (30% con giống) từ chương trình phát triển chăn nuôi, Phạm Văn Lợi (Ấp 9, xã Mỹ Lộc) đã phát triển mô hình nuôi dê khá hiệu quả.

Sau 3 năm, từ 9 con dê lúc đầu, đến nay ông Lợi có đàn dê hơn 30 con. Để phát triển mô hình này, ông Lợi đã đi nhiều nơi, qua tận Tiền Giang, Bến Tre để học hỏi kinh nghiệm và bắt con giống tốt về nuôi. Ông Lợi cho biết: Nuôi dê khỏe hơn nuôi bò và cho thu nhập cao hơn, quan trọng là biết cách phòng bệnh cho dê.

Thức ăn cho dê khá dễ tìm, chủ yếu ăn lá cây, cỏ... Để vỗ béo có thể bổ sung thêm thức ăn và bã đậu nành. Dê nuôi khoảng 9 tháng (30- 40 kg/con) là có thể xuất chuồng.

Hiện, dê giống 170.000- 180.000 đ/kg, còn dê đực tơ có giá 137.000 đ/kg, dê cái 110.000 đ/kg thịt hơi. “Đây là mức giá tương đối cao vì những năm trước chỉ từ 85.000- 90.000 đ/kg thịt hơi dê đực”- ông Lợi nói.

Đời sống nâng lên gấp 10 lần

Phát triển mô hình nuôi dê đang đem lại thu nhập khá cho ông Lợi.
Phát triển mô hình nuôi dê đang đem lại thu nhập khá cho ông Lợi.

Thời chiến, hàng ngàn tấn bom của địch dội xuống đã làm thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân xã Mỹ Lộc. Song, người dân vẫn bám đất, bám làng chăm lo sản xuất, nuôi chứa cán bộ cách mạng...

50 năm trước, khi Bác Hồ ra đi, Người đã để lại Di chúc thiêng liêng. Trong đó, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Năm 1993, thu nhập bình quân đầu người của xã Mỹ Lộc chỉ đạt gần 1,3 triệu đồng/năm. Đến nay, đã đạt khoảng 46 triệu đồng/năm.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và chính quyền xã Mỹ Lộc đã phát huy truyền thống anh hùng, góp phần giành lấy độc lập cho dân tộc và từng bước khôi phục lại sản xuất.

Để tăng năng suất, sản lượng lương thực, Đảng bộ và chính quyền xã luôn quan tâm chỉ đạo sản xuất, tăng cường khuyến nông. Đồng thời, thực hiện giao khoán 100% hộ bảo quản bờ bao và tận dụng lao động tại chỗ, hàng năm duy tu, sửa chữa 20.000- 25.000m bờ bao, cống đập.

Từ năm 1991, phong trào cải tạo vườn tạp phát triển mạnh mẽ. Đến nay, diện tích trồng cây ăn trái là 365ha, trong đó có gần 7,4% vườn cây ăn trái có thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm trở lên.

“Trước ngày giải phóng, nông dân trồng lúa trúng lắm chỉ được 1,8 tấn/ha/năm và sản xuất thủ công, nhưng đến nay năng suất bình quân 7 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 9 tấn/ha/vụ và đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch”- đồng chí Võ Ngọc Liền- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc- cho biết.

Điểm nổi bật là xã đã xây dựng được vùng sản xuất lúa giống ở Ấp 9, Ấp 10 và ấp Mỹ Tân với diện tích 91ha; xây dựng cánh đồng mẫu lớn 8/8 ấp, với hơn 90,8% diện tích trồng lúa; duy trì mô hình trồng lúa hữu cơ ở Ấp 9 với 36,8ha; diện tích trồng màu đạt khoảng 290 ha/năm; dịch vụ nông nghiệp từng bước phát triển, đáp ứng 99% nhu cầu cơ giới nông nghiệp.

Theo Bí thư Đảng ủy xã- Võ Ngọc Liền, qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, đời sống người dân xã Mỹ Lộc đã được nâng lên hơn chục lần, đúng như lời dặn: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Từ sản xuất lúa thủ công, đến nay đã được cơ giới hóa gần như toàn bộ. Sau ngày giải phóng, toàn xã chỉ có 3 căn nhà kiên cố, đến nay hầu hết là nhà cấp 4 trở lên.

Những năm 1977- 1978, cả vài ba ấp chỉ có 1 cái ti vi, muốn đi xem cải lương phải lội bộ từ cuối xã đến đầu xã mà toàn là đường đất, cầu khỉ thậm chí xóm giềng qua lại phải bơi xuồng, nhưng đến nay hầu như nhà nào cũng có truyền hình, đường đi đảm bảo xe 4 bánh lưu thông dễ dàng.

Bộ mặt xã NTM ngày càng được thay đổi với điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh.

Ông Phạm Văn Lợi: Trước ngày giải phóng, không ít người dân phải mượn gạo nấu, đời sống rất cơ cực. Những năm gần đây, đời sống người dân khá lên rất nhiều. Nhờ có tiền của mà người dân tích cực đóng góp xây dựng NTM. Từ nguồn quỹ “bán đồng cho vịt chạy” để làm giao thông mà nhiều năm nay đường đi ở Ấp 9 cũng không còn lầy lội.

Ông Nguyễn Hữu Phước: Cuộc sống người dân mình giờ “ngon lành” hơn trước rất nhiều. Người dân được tự do làm ăn và đạt hiệu quả kinh tế. Ngày xưa làm gì có đường đan, đường đá, làm gì có nhà ở khang trang và được đi học đầy đủ, nhưng giờ hầu như đã phổ cập cấp 3 hết rồi, nhà tường khang trang đến 90%, giao thông thì đan hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu dân sinh.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI