Câu chuyện cuối tuần

Dạy trò đọc sách

Cập nhật, 07:19, Thứ Bảy, 07/09/2019 (GMT+7)

Một điều rất dễ thấy, cứ có người thầy yêu sách là thể nào sau vài ba năm cũng có vài “đồ đệ” mê sách không kém. Bởi thầy cô luôn là tấm gương trực tiếp nhất cho trò noi theo, và khi đã bước vào thế giới của sách thì chân trời lồng lộng mở…

Có lẽ không phải nói thêm về những lợi ích của việc đọc sách. Các nghiên cứu đã khẳng định đọc sách góp phần làm giàu kiến thức, rèn luyện tư duy, hình thành nhân cách, thêm kỹ năng sống cho mỗi người. Sách chính là người thầy, người bạn quý theo ta trong suốt cuộc đời, ngay cả những lúc gian khổ nhất, ở nơi khó khăn nhất.

Tuy nhiên, ở nước ta, việc đọc sách vẫn chưa được lan tỏa và trở thành thói quen của mọi người. Theo một khảo sát, người Việt Nam chỉ đọc 4,2 cuốn sách/năm, mà trong đó chủ yếu là sách giáo khoa. Trong khi riêng nước láng giềng Malaysia đã đọc 12 cuốn sách/người/năm.

Từ con số “ít thấy thương” đó, các nhà nghiên cứu đã cho rằng, điều quan trọng và cần thiết nhất hiện nay là phải xây dựng và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là phải hình thành thói quen đọc cho trẻ.

Việc tập cho trẻ nhỏ yêu thích đọc sách là việc mà các bậc cha mẹ cần làm ngay từ những năm đầu đời của bé. Để rồi tiếp đó, nhà trường, thầy cô giáo chính là người hướng dẫn trò đến với niềm vui đọc sách.

Nhưng có một thực tế là hiện nay phòng thư viện ở rất nhiều ngôi trường chính là căn phòng ít được đầu tư, ít được chú ý nhất. Nhiều thư viện đang thiếu sách (điều quan trọng và đầu tiên)- những đầu sách đa dạng và phong phú phù hợp với lứa tuổi học trò; rồi thiếu ánh sáng, thiếu chỗ ngồi thoải mái, thiếu không gian vui tươi và hấp dẫn trẻ em hoặc thiếu cách quản lý phù hợp, thiếu những cuộc thi kể chuyện sách,…

Đồng thời, thiếu cả những yêu cầu bắt buộc, như “các em hãy về đọc quyển sách này, tiểu thuyết này… để tuần sau vào làm bài văn này, bài luận nọ”. Nên thư viện cũng chính là nơi học trò ít lui tới nhất trong ngôi trường thân quen của mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Đất nước ta muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí. Mỗi người dân phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn”. Mà văn hóa đọc thì phải được hình thành cho trẻ từ gia đình và nhà trường rồi mới đến xã hội. Nên mong sao thầy cô hãy là người dìu dắt các em đến với tình yêu sách vở, giúp các em không chỉ “gói mình trong sách giáo khoa”…

PHƯƠNG NAM