Việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết

Cập nhật, 20:43, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

Ngày 12/6/2019, đại biểu Phạm Tất Thắng- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến đóng góp về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trong phiên thảo luận tại hội trường.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế giao thương ngày càng cao thì nhu cầu công tác, học tập, du lịch, chữa bệnh... của công dân Việt Nam sang các nước ngày càng nhiều. Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tức là hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người nước ngoài đã được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, cũng với hoạt động này nhưng đối tượng là công dân Việt Nam lại chủ yếu quy định ở văn bản dưới luật là chưa phù hợp.

Do đó, việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết. Hiện nay, đã có ít nhất 82 nước trên thế giới và 28 nước thuộc liên minh châu Âu từ năm 2017 đã chuyển sang dùng hộ chiếu điện tử, nghĩa là hơn một nửa số nước đã sử dụng hộ chiếu công nghệ cao trong đó có cả nước láng giềng với chúng ta như Lào và Campuchia.

Như vậy, việc ban hành luật còn đáp ứng yêu cầu về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh với xu hướng quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của thế giới hiện nay.

Về hồ sơ dự án luật, tôi đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ dự án luật đảm bảo chất lượng, trình Quốc hội đúng tiến độ.

Tuy nhiên, hồ sơ có 4 dự thảo nghị định kèm theo chỉ có 1 dự thảo nghị định quy định khá chi tiết, 3 dự thảo nghị định còn lại nội dung khá sơ sài. Đề nghị các cơ quan soạn thảo hoàn thiện thêm các dự thảo nghị định này để khi luật được thông qua có hiệu lực thi hành thì áp dụng được ngay.

Đóng góp thêm cho dự án luật, về quy định một số hành vi bị nghiêm cấm thể hiện ở Điều 4, tôi cơ bản tán thành với các quy định về hành vi bị cấm.

Tuy nhiên, Điều 4 đang để bị lẫn lộn giữa hành vi bị nghiêm cấm áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ quản lý xuất cảnh, nhập cảnh với hành vi bị nghiêm cấm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.

Do đó, tôi đề nghị tách thành hai khoản trong điều này hoặc tách thành hai điều riêng cho hai nhóm đối tượng làm công tác quản lý xuất, nhập cảnh và đối tượng chịu sự quản lý xuất cảnh, nhập cảnh.

Đồng thời rà soát, bổ sung các quy định cấm cho nhóm quản lý, cho nhóm xuất cảnh, nhập cảnh để tránh việc gây khó khăn cho quá trình làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh của công dân.

Đối với quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh thể hiện ở khoản 2 Điều 7 quy định thời hạn của hộ chiếu phổ thông.

Theo quy định của dự thảo luật, hộ chiếu phổ thông cấp cho 3 đối tượng: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, người chưa đủ 14 tuổi và các trường hợp quy định tại Điều 14 của luật và đều được quy định về thời hạn.

Tuy nhiên, Điểm d khoản này quy định hộ chiếu phổ thông không được gia hạn thì có được quy định ngày áp dụng cho cả ba nhóm đối tượng này không, trường hợp nào cần được gia hạn. Do đó, quy định rõ hộ chiếu phổ thông nào không được gia hạn tại khoản này nếu như có sự khác biệt.

Về quy định hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ thể hiện ở mục I Chương III của dự thảo luật, tôi tán thành với phương án chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bởi lẽ quy định quá chi tiết như dự thảo luật sẽ dẫn đến thực tiễn thay đổi sẽ phải sửa luật.

Ngoài ra, việc quy định đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao quá cụ thể thì một số đúng với thể chế chính trị của nước ta nhưng sẽ không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tham khảo thêm quy định của một số nước trên thế giới về quy định cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và thể hiện trong nghị định.

Bên cạnh đó, đề nghị đưa các quy phạm được thể hiện ở phương án 1 vào dự thảo nghị định, quy định đối tượng, cơ quan có thẩm quyền quyết định cử cho phép người được cấp gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ. Dự thảo nghị định này mới chỉ dừng lại ở đề cương, còn sơ sài, trong khi đó quy định ở dự thảo luật lại khá chi tiết.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh thể hiện ở Điều 28, tôi tán thành với phương án vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm.

Mặc dù pháp lệnh chuyên ngành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã điều chỉnh việc hạn chế đi lại của công dân trong trường hợp bị nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, phương án tạm hoãn xuất cảnh vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc. Vì vậy, quy định tại điều này cũng cần tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho việc triển khai trong hoạt động xuất, nhập cảnh.

TÂM HUỲNH (ghi)