Tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động

Cập nhật, 16:20, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)

 

Để giảm tại nạn lao động trong ngành xây dựng, cần sự vào cuộc của nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu và bản thân người lao động.
Để giảm tại nạn lao động trong ngành xây dựng, cần sự vào cuộc của nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu và bản thân người lao động.

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLÐ) năm 2019 (từ ngày 1- 31/5), tỉnh Vĩnh Long cùng cả nước tăng cường công tác đánh giá, nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp.

Tháng hành động được xem cơ hội để tăng cường công tác tuyên truyền, thanh- kiểm tra nhằm làm thay đổi ý thức, nhận thức và hành động của từng doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) về ATVSLĐ.

ATLĐ- còn nhiều bất cập

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại, nhất là số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2018, TNLĐ làm 1.039 người chết, đặc biệt là đối với khu vực làm việc không có hợp đồng LĐ tăng 59% số người chết do TNLĐ.

Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm chú ý nhiều hơn tới khu vực này. Những tháng đầu năm 2019, một số vụ TNLĐ trong xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vẫn tiếp tục xảy ra như sập đổ công trình xây dựng, cháy nhà xưởng nhiều người chết. Điều này cho thấy TNLĐ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Trong vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra tại Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ), bức tường đang xây bị sập đổ lúc các LĐ đang thi công, làm chết 6 người và bị thương nặng nhiều người, là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan, DN (đặc biệt là các DN xây dựng) còn lơ là, xem thường công tác phòng ngừa TNLĐ, thiếu các biện pháp kỹ thuật, phương án đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám, tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng, vận hành máy móc, trang thiết bị trong sản xuất.

Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 6 người. Bên cạnh đó, nhận thức và tính tự giác của các cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, không có quan hệ LĐ, chấp hành pháp luật về ATVSLĐ chưa tốt.

TNLĐ có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi. Để đảm bảo ATVSLĐ thì NLĐ và người sử dụng LĐ phải nâng cao ý thức phòng ngừa, đặc biệt là trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ LĐ.

Tăng cường công tác bảo đảm ATVSLĐ

Hưởng ứng Tháng ATVSLĐ, trong những ngày qua đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đến kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Là DN sản xuất sản phẩm bê- tông, với nhiều máy móc, thiết bị phức tạp, thời gian qua nhà máy bê- tông Hùng Vương luôn quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Cụ thể như nhà máy xây dựng nội quy LĐ, nội quy vận hành máy móc, thiết bị, thành lập hội đồng bảo hộ LĐ, trang bị bảo hộ LĐ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy.

Song, qua kiểm tra cho thấy, công tác đảm bảo ATVSLĐ tại DN này vẫn còn một số hạn chế như: DN chưa tổ chức huấn luyện ATLĐ; trang bị dụng cụ bảo hộ LĐ cho công nhân chưa đầy đủ, chưa khai báo các thiết bị có tính nghiêm ngặt về an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại Nhà máy gạch Vũng Liêm.
Đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại Nhà máy gạch Vũng Liêm.

Qua kiểm tra, còn nhiều DN khác cũng chưa chấp hành đúng các quy định về huấn luyện ATVSLĐ, trang bị chưa đầy đủ các dụng cụ bảo hộ LĐ. Điều kiện làm việc của NLĐ chưa đảm bảo an toàn. Việc tuyển dụng, sử dụng LĐ cũng chưa đúng quy định.

Tại DNTN thương mại Thanh Phong (huyện Vũng Liêm), đoàn kiểm tra yêu cầu DN tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, trang bị phòng hộ LĐ cho người làm việc tại xưởng sản xuất; tổ chức khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe NLĐ, thực hiện việc quan trắc môi trường LĐ, tổ chức bộ phận y tế tại DN theo quy định; 

 xây dựng bảng chỉ dẫn an toàn đối với các băng tải, nội quy an  toàn kho, các bộ phận truyền động của băng tải phải được che chắn an toàn theo đúng quy định;…

Để góp phần đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn, năm 2019, BCĐ thực hiện công tác ATVSLĐ các cấp tỉnh Vĩnh Long chủ động phối hợp tổ chức thanh tra- kiểm tra công tác đảm bảo ATVSLĐ ở các lĩnh vực. Cụ thể, BCĐ tập trung thanh- kiểm tra tại các DN có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, dệt may, da giày, khai thác khoáng sản, sử dụng điện...

Thiết nghĩ, để đảm bảo ATVSLĐ, hơn ai hết chính các DN, người sử dụng lao động cần tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, trong đó chú trọng các hoạt động kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại DN và định kỳ tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ.

Bài, ảnh: MAI ANH