Nâng tầm công tác phòng chống thiên tai

Cập nhật, 15:36, Thứ Sáu, 01/03/2019 (GMT+7)

 

Ngành chuyên môn xin chủ trương thực hiện việc điều tra, đánh giá xác định nguy cơ và xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở bờ sông, ước giá trị thực hiện khoảng 2,6 tỷ đồng.
Ngành chuyên môn xin chủ trương thực hiện việc điều tra, đánh giá xác định nguy cơ và xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở bờ sông, ước giá trị thực hiện khoảng 2,6 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc hàng năm lấy tuần lễ từ ngày 15- 22/5 làm Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai.

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác này, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) tỉnh Vĩnh Long, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 trên 66,7 tỷ đồng. Các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại đến tỉnh Vĩnh Long là gió mạnh, lốc xoáy, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường.

Cụ thể, lốc, mưa lớn, gió mạnh, sét gây thiệt hại 408 căn nhà sập, tốc mái. Sạt lở bờ sông đã xảy ra 221 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất 11.531m bờ sông, kinh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, có 228 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp. Do ảnh hưởng của mưa lớn và triều cường rằm tháng 8, 9 âl đã gây thiệt hại đáng kể tại một số địa phương trong tỉnh.

Trong năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên 107 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ khu vực Phường 1, Phường 5 (TP Vĩnh Long). Tỉnh hỗ trợ trên 27 tỷ đồng để hỗ trợ về người, sập nhà tốc mái, nông nghiệp, khắc phục sạt lở, khắc phục thiệt hại do triều cường.

Theo ông Lưu Nhuận- Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long, thống kê toàn tỉnh có 3.362 hộ với tổng số 11.870 người cần sơ tán. Toàn tỉnh có 1.723 căn nhà tạm bợ cần chằng chống để đảm bảo an toàn trong bão.

Ngoài ra, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của bão gồm 119 bến đò qua sông, 940 lồng, bè nuôi cá trên sông tập trung chủ yếu ở TP Vĩnh Long, Long Hồ và Vũng Liêm.

Để chủ động phương án ứng phó, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long cũng đã thống kê vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động PCTT.

Theo đó, toàn tỉnh có khả năng huy động tại chỗ 15.255 người cùng 8.061 phương tiện, trang thiết bị tham gia sơ tán dân khi có bão. 1.285 cửa hàng lương thực, thực phẩm, nước sạch, 319 doanh nghiệp cung cấp vật tư xây dựng sẵn sàng tiếp ứng khi có tình huống xấu xảy ra.

Riêng nguồn nhân lực tham gia hoạt động PCTT, toàn tỉnh có trên 901.684 người bao gồm lực lượng dân sự, quân sự và công an, trong đó có 2.136 người đã được tập huấn về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Toàn bộ lực lượng này được trải đề khắp các sở- ban- ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Khi có thiên tai xảy ra, lực lượng này sẽ đáp ứng tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Về vật tư, phương tiện, trang thiết bị được các địa phương chuẩn bị tương đối đầy đủ để ứng phó, khắc phục khi thiên tai xảy ra. Các loại vật tư như đá hộc, đá dăm, cát, bao tải, vải bạt,… được chuẩn bị sẵn và sẽ trưng mua tại các cửa hàng vật tư xây dựng khi cần thiết.

Các loại thiết bị như nhà bạt, phao cứu sinh, phao tròn đã được cấp phát khá đầy đủ (155 nhà bạt các loại, 3.482 áo phao, 3.382 phao tròn); các loại phương tiện như xe cứu hộ, ô tô các loại, xe cứu thương, ca nô,… đáp ứng khá tốt cho công tác ứng phó, khắc phục thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh, hệ thống thông tin đã đưa vào vận hành hệ thống tin nhắn SMS phòng chống thiên tai với 257 đầu số phục vụ đến ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay được xác định là việc đầu tư các công trình khắc phục thiên tai, công trình thủy lợi. Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án, công trình PCTT, thủy lợi trong đó, tập trung ưu tiên cho những công trình chống hạn, trữ ngọt để phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô.

Đồng thời gia cố, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo đảm an toàn cho các công trình, hệ thống bờ bao khi mực nước dâng cao do triều cường, mưa lớn- nhất là các khu vực xung yếu, trọng điểm có nguy cơ xảy ra bể bờ, tràn bờ.

Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án trang thiết bị nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chỉ báo, điều hành trong công tác PCTT- TKCN giai đoạn 2019- 2020, trong đó đề xuất hỗ trợ 35 tỷ đồng kinh phí để trang bị hệ thống máy bộ đàm và 2 ca nô.

Bài, ảnh: THÀNH LONG