Chuyện tổ chức sản xuất ở xã Thuận Thới

Cập nhật, 13:27, Thứ Tư, 06/03/2019 (GMT+7)

Trong khi một số địa phương phải chật vật thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thì Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới- Trà Ôn) đã là một trong những mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả tại địa phương vì xuất phát từ nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân.

Mô hình nuôi trùn quế của HTX đang mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nuôi trùn quế của HTX đang mang lại hiệu quả cao.

Đưa nông dân vào làm kinh tế hợp tác

“Khởi phát từ mô hình CLB VAC và CLB Khuyến nông của Hội Nông dân (ND) xã, thông qua sự vận động của chính quyền địa phương, 2 mô hình này đã được gom lại để thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới”- ông Tô Văn Em- Chủ tịch Hội ND xã mở đầu câu chuyện về HTX như thế.

Nói về ý tưởng thành lập HTX, ông Tô Văn Em cho biết: “Tôi được Đảng ủy phân công trực tiếp phụ trách tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất.

Đây là một trong những tiêu chí khó vì đa số ND sản xuất theo tập quán cũ, chưa có nhận thức cao về chuỗi giá trị”.

Bước đầu, Hội ND đã chọn ấp Vĩnh Thạnh làm điểm (vì đây ấp có nhiều mô hình VAC) vận động ND tham gia vào các mô hình liên kết nhằm tiến tới thành lập HTX.

Đầu năm 2017, đã thành lập được 3 tổ hợp tác chăn nuôi bò và 1 tổ đan lục bình tại 4 ấp, nâng tổng số toàn xã có 9 tổ hợp tác với 179 thành viên.

Bên cạnh, ngành khuyến nông tỉnh, huyện còn hỗ trợ xã thành lập CLB Khuyến nông kiểu mẫu thu hút 30 thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Qua hơn 1 năm hoạt động, CLB được đầu tư 30 con dê và kinh phí hoạt động trên 4 triệu đồng.

“Tuy những kết quả đạt được rất khả quan, nhưng muốn đạt tiêu chí tổ chức sản xuất thì xã phải có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững”- ông Tô Văn Em cho biết.

Lúc đó, việc chăn nuôi bò tại các tổ hợp tác chưa tận dụng hết phế thải để tăng thêm thu nhập.

Cũng vào thời điểm này, anh Nguyễn Văn Thảo- người con của quê hương Thuận Thới (thuộc ấp Vĩnh Thạnh)- đã lấy bằng cao học ngành công nghệ sinh học (Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) và về quê khởi nghiệp phát triển mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.

Thấy mô hình khá hiệu quả, ông Tô Văn Em đã đứng ra vận động anh Nguyễn Văn Thảo cùng một số thành viên tiêu biểu của các tổ hợp tác chăn nuôi và CLB Khuyến nông để xây dựng mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế tiến tới thành lập HTX.

Được sự hỗ trợ của BCĐ xây dựng NTM xã và các ngành chức năng, đến năm 2018 HTX Nông nghiệp Thuận Thới chính thức thành lập với sự tham gia của 15 xã viên trên 21ha.

Trong đó, ông Trần Văn Ẩn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX; anh Nguyễn Văn Thảo làm Phó Giám đốc HTX phụ trách kỹ thuật và kinh doanh.

Lợi nhuận cao nhờ tận dụng phế phẩm

Bón phân trùn quế, rau sẽ phát triển tốt.
Bón phân trùn quế, rau sẽ phát triển tốt.

“Việc thành lập HTX được xem là mô hình bền vững vì tận dụng các phụ phẩm, phế thải trong chăn nuôi để gia tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất và có đầu ra ổn định”- ông Trần Văn Ẩn nhận định.

Hiện ông Ẩn nuôi 4 con bò và phát triển mô hình nuôi trùn quế. Tính trung bình, mỗi con bò sẽ nuôi được khoảng 10m2 trùn quế. Sau 4 tháng sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn phân trùn và 20kg trùn quế.

Hiện, giá bán phân trùn ướt là 1.500 đ/kg, phân trùn khô 4.000 đ/kg, còn trùn quế có giá 45.000- 50.000 đ/kg. Mỗi tháng, người nuôi bò tận dụng phế phẩm nuôi trùn quế cũng thu được hơn 2,4 triệu đồng.

Nếu người nuôi trùn quế không bán phân thì có thể sử dụng để bón cho vườn cây ăn trái, rau màu, lúa đều rất tốt, vì đây là phân hữu cơ sạch, hàm lượng dinh dưỡng trong phân rất cao.

Để xây NTM đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, bên cạnh việc thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới chuyên chăn nuôi và mua bán trùn quế, bò, rau sạch theo đúng Luật HTX năm 2012, xã còn xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa giống trên 50,1ha.

Còn trùn thì được trộn cám làm thức ăn trong chăn nuôi, giúp vật nuôi mau lớn, giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Ông Ẩn cho biết thêm, đến nay đã có thêm 3 hộ đăng ký tham gia vào HTX. Hiện HTX đang triển khai thêm mô hình nuôi cá và trồng rau sạch thông qua việc tận dụng trùn làm thức ăn và phân trùn để chăm bón cho cây.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Bỉ- Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã, ngay từ năm 2017, BCĐ xây dựng NTM xã đã tập trung quyết liệt cho các tiêu chí nội lực để tạo đà cho xã về đích NTM vào năm 2019.

Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm trong việc hỗ trợ ND sản xuất, trong đó có thành lập HTX theo đúng Luật HTX.

Việc xây dựng đạt tiêu chí 13 cũng đồng nghĩa tạo điều kiện cho bà con giao lưu hàng hóa, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không còn bị thương lái ép giá.

HTX còn tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có thêm thu nhập thông qua việc thu mua phân bò, bao tiêu phân trùn và trùn thương phẩm.

Ngoài ra, HTX còn có lợi thế là ban giám đốc và thành viên HTX trình độ chuyên môn cao (2 thạc sĩ, 2 kỹ sư) rất nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.

HTX cũng có sự liên kết chặt chẽ với các viện, trường để được hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời tạo mối quan hệ tốt với các HTX trong và ngoài tỉnh để cung cấp phân hữu cơ và trùn quế làm thức ăn chăn nuôi.

“Việc thành lập HTX đã góp phần tích cực trong việc nâng chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò, giúp ND thêm lợi nhuận từ phế phẩm chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua đó còn góp phần xây NTM về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm”- ông Tô Văn Em cho biết thêm.

Đến nay xã Thuận Thới đã đạt 12/19 tiêu chí. Đây là địa phương có số tiêu chí đạt cao nhất trong 6 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Hiện xã còn 7 tiêu chí, trong đó có một số chỉ tiêu chưa đạt là quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI