Câu chuyện cuối tuần

A lô, a lô...

Cập nhật, 05:31, Thứ Bảy, 09/03/2019 (GMT+7)

Nhớ hồi đó, khi nghe tiếng nói chuyện qua điện thoại của người bạn thân ở xa cả nửa vòng Trái đất, mình đã mừng phát khóc. Bởi không thể ngờ rằng cách xa như vậy mà chỉ cần sau tiếng “a lô, a lô” là có thể trò chuyện như thể vẫn ngồi cạnh bên nhau. “Hồi đó” là cách đây đã gần 30 năm.

Có lẽ cũng chưa ai biết rõ từ “a lô” có từ khi nào và vì sao khi nhấc điện thoại lên người ta lại nói “a lô”. Các nhà ngôn ngữ thì cho rằng, đó là từ “hello” của tiếng Anh có nghĩa là “xin chào” nhưng khi Việt hóa, người ta đọc chệch đi mãi mà thành quen.

Một số khác thì cho rằng “a lô” vốn là câu chào của các thủy thủ giữa trùng dương. Nhưng dù gì thì gì, có thể nói “a lô” đã trở thành một từ “mặc định” trong giao tiếp kể từ khi có chiếc điện thoại. Có lẽ từ này rồi sẽ tồn tại với thời gian và đánh dấu sự ra đời của một loại hình công nghệ thông tin cũng như “thời đại a còng” hay là “lên mạng”…

Dông dài vậy thôi, nhưng điều muốn nói là cái “a lô” giờ đây không chỉ dùng để nói chuyện mà còn đảm đương nhiều nhiệm vụ khác, nhất là khi nó “quá thông minh”. Đến nỗi, nhiều người yêu nhau “cải biên” rằng chỉ cần “một điện thoại thông minh và hai quả tim vàng” là đủ. Hoặc, chỉ cần có chiếc điện thoại là chuyện “đi chợ” đã thay đổi chóng mặt.

Những người buôn bán theo kiểu truyền thống đều phải dè chừng với cửa hàng ảo trên mạng, như một cửa hàng thời trang với quần áo treo đầy “trên tường” mà chẳng cần hạn chế số lượng cũng chẳng sợ phai màu. Khách hàng ở tận đẩu tận đâu đều có thể “dạo shop” thỏa thích bất kể ngày đêm. Hoặc khi cần có một món ăn ngon, sau khi “dạo điện thoại” và “a lô” là lập tức có người giao tận nơi.

Thế nên, giờ đây khi bước ra khỏi nhà, người ta có thể quên mang tiền nhưng không thể nào… quên điện thoại. Rồi điện thoại còn có mặt ngay giữa bữa ăn và leo cả lên giường ngủ. Điện thoại “chen” vào giữa những người thân, bạn bè… “A lô” đã kéo mọi người lại gần nhau hơn hay thêm cách xa nhau?

Nghe đâu, một thăm dò ở Mỹ cho thấy gần 50% số người trẻ được hỏi, cho biết không thể sống vài ngày mà không có smartphone và 30% cho rằng không thể thiếu smartphone trong vài giờ hoặc một ngày.

Không biết nếu nhà thơ Tú Xương có mặt ở đây, có khi nào “sửa thơ” lại thành “một trà, một rượu, một… smartphone/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta” hay không?

PHƯƠNG NAM