"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…"

Cập nhật, 09:28, Thứ Hai, 04/02/2019 (GMT+7)

 

Suốt 16 năm, chiến trường Trường Sơn hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom mìn do không quân Mỹ trút xuống. Trên toàn tuyến đường có tới 2.500 trọng điểm đánh phá. Trong ảnh là trọng điểm ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đoàn xe di chuyển qua khu vực dày đặc hố bom.
Suốt 16 năm, chiến trường Trường Sơn hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom mìn do không quân Mỹ trút xuống. Trên toàn tuyến đường có tới 2.500 trọng điểm đánh phá. Trong ảnh là trọng điểm ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đoàn xe di chuyển qua khu vực dày đặc hố bom.

Cách nay 60 năm, đúng dịp kỷ niệm 59 năm sinh nhật Bác (19/5/1959), Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Đường Trường Sơn đã đi vào lịch sử, trở thành con đường huyền thoại, một biểu tượng của dân tộc anh hùng.

Từ “tuyến vận tải huyền thoại”  nối liền hậu phương và tiền tuyến

Việc mở đường Trường Sơn vào miền Nam xuất phát từ ý chí, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà của toàn thể dân tộc, một chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ điểm khởi công Khe Hó và liên tục được phát triển trong suốt cuộc kháng chiến, đường Trường Sơn với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn, qua các trọng điểm nổi tiếng: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, Xiêng Phan,...

Giai đoạn đầu mở đường, bộ đội và dân quân chuyển tải vũ khí bằng sức người.
Giai đoạn đầu mở đường, bộ đội và dân quân chuyển tải vũ khí bằng sức người.

Đường giao liên bộ dài hơn 3.000km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam Bộ. Đường gùi thồ chủ yếu dựa vào đường giao liên bộ, có cải tạo để phù hợp với phương tiện gùi thồ. Đường ống dẫn xăng dầu dài gần 1.400km, được xây dựng vào tháng 6/1968 từ Khe Hó đến Lộc Ninh, gồm 46 kho với sức chứa 17.050 tấn, 113 trạm bơm đẩy và cấp phát.

Đường thủy lợi dụng các đoạn sông Xê Băng Hiêng, Xê Công, Mekong,... để thả gạo, xăng theo dòng chảy hoặc vận chuyển 2 chiều bằng ca nô, thuyền gắn máy.

Dọc tuyến đường còn có hệ thống bảo đảm kỹ thuật, hệ thống kho tàng, bệnh viện quân y, hệ thống thông tin liên lạc với gần 1.350km đường thông tin tải ba (PLC), 14.000km đường thông tin hữu tuyến dây bọc. Trong quá trình xây dựng đường Trường Sơn, Đoàn 559 đã đào đắp khoảng 21 triệu mét khối đất đá để làm đường, lấp hố bom bằng cả sức người và phương tiện cơ giới, làm 13.418m cầu, hơn 10.000 cống với 9,520 triệu ngày công.

Trong 16 năm liên tục đó, lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại.

Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B-52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích.

Quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh, bao gồm bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc và nhân dân nước bạn, với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự.

Để có thành công đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 3 vạn người bị thương; 14.500 xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy.

Đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh thực sự ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một “kỳ tích của thế kỷ XX”.

Những chiến công, kỳ tích ấy không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam.
Bất chấp bom đạn và chất độc hóa học, những đoàn xe vẫn tiến về miền Nam.

Đến đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa

Đường Trường Sơn năm xưa trải đầy thử thách, dù gian khổ, hy sinh, đèo cao, vực sâu nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi, tất cả vì độc lập, tự do Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.

Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nay có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Tháng 5/2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở hướng khai thác tiềm năng kinh tế- xã hội phía Tây Tổ quốc.

Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg, ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong thời kỳ mới sẽ đi qua địa phận 28 tỉnh- thành, có tổng chiều dài 3.183km (trong đó tuyến chính dài khoảng 2.499km, tuyến phía Tây dài khoảng 684km).

Dọc 2 bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nhánh Đông từ Thạch Quảng (Thanh Hóa) đến Khe Sanh (Quảng Trị), dáng dấp của con đường xuyên Việt hiện ra với 2 làn xe chạy cùng những cầu, cống, hệ thống thoát nước, chống sụt trượt được kiên cố. Trên tuyến đường phẳng lì còn tươi màu sơn đã hình thành những khu phố, những thị tứ mới với nhà cửa san sát. Hơi thở của cuộc sống hiện đại đã tràn về 2 bên đường Hồ Chí Minh.

Đường Trường Sơn hôm nay.
Đường Trường Sơn hôm nay.

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây cũng đã hoàn thành. Con đường mòn chỉ toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù thời chiến tranh, nay đã là con đường Tây Trường Sơn bằng bê tông uốn lượn, vắt qua từng dãy núi phía Tây của Tổ quốc. Trên độ cao trung bình hơn 400m so mặt nước biển, khí hậu hòa hợp giữa 2 vùng Đông và Tây Trường Sơn. 200km đường lúc ẩn trong sương mù Trường Sơn, lúc hiện ven đường biên giới nước bạn Lào.

Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh xưa và nay là một kết hợp tuyệt vời lịch sử chói lọi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa một thời con đường Trường Sơn trong chiến trận đến con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong thế kỷ XXI.

A.Đ (tổng hợp)