Về xã giàu nhất tỉnh nghe chuyện người dân ăn tết

Cập nhật, 12:37, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)

Với thu nhập bình quân đầu người gần 60 triệu đồng/năm, xã nông thôn mới Thuận An (TX Bình Minh) được xem là “quán quân” với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh. Những ngày này, trở về xã Thuận An, đi dọc theo các tuyến đường, nhìn những bông hoa vươn mình khoe sắc thắm, nghe xôn xao chuyện người dân đón tết, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần.

Năm 2018, người dân trồng màu xã Thuận An có thu nhập khá nên ăn tết vui hơn.
Năm 2018, người dân trồng màu xã Thuận An có thu nhập khá nên ăn tết vui hơn.

Vui xuân cùng với rẫy

“Dân xóm rẫy ăn tết đơn giản lắm!”- lão nông Trương Văn Bo gắn bó với nghề trồng cải xà lách xoong ở xã Thuận An rất nhiều năm đã mở đầu câu chuyện như thế.

Ông cho biết: Ngày tết cũng như ngày thường, mỗi ngày phải tưới cải 8- 9 cữ (mỗi cữ 6- 10 phút). Công việc tuy không nặng nhọc do có hệ thống máy tưới phun, nhưng cứ lắc xắc làm hoài, nên dù có những bữa tiệc vui ông cũng không quên 3 công rẫy của mình và năm nào gia đình ông cũng ăn tết… dài tới mùng 6, mùng 7.

Ông Bo cho biết: Năm nay, người dân trồng cải xà lách xoong phấn khởi vì bán được giá. Vừa rồi ông mới cắt bán được 33.000 đ/kg, cứ mỗi bọc cải (60 kg/bọc) thì kiếm được gần 2 triệu đồng. Mỗi năm, ông thu hoạch 5- 7 lứa cải, mỗi lứa 1- 2 tấn/công (mùa thuận) hoặc 700- 800 kg/công (mùa nghịch), lời hơn chục triệu đồng/công mỗi lứa.

Nhờ làm ăn khấm khá nên năm nào gia đình ông Bo cũng trồng 20 chậu cúc vạn thọ và bỏ ra bạc triệu để mua thêm hoa kiểng về chưng tết. Còn mâm trái cây thì cứ chọn món ngon về để “trước cúng sau ăn”.

Ngày mùng 1, nhà ông Bo luôn rộn tiếng cười vui của con cháu quây quần về sum họp và thắp hương cho cha ông.

Còn mùng 2 thì tụ họp ở nhà người em trai của ông Bo (ở xã Mỹ Thuận- Bình Tân), mùng 5 thì ông Bo đi họp mặt bạn bè lâu năm. “Những năm trước do bận việc không đi được nên năm nay tui nhất định sắp xếp để đi”- ông Bo cho biết.

Được xem là người trồng bưởi Năm Roi số một tại xã Thuận An, ông Nguyễn Thanh Trường (Chín Trường) cũng thu lời bạc trăm triệu mỗi năm chỉ nhờ vào 3 công bưởi.

Ông Chín Trường cho biết: “Hiện, giá bưởi Năm Roi loại nhất là 38.000 đ/kg, loại nhì 28.000 đ/kg. Cuối tháng 10 âm lịch, tui thu hoạch được khoảng 1 tấn trái, đến cuối năm 2018 thì thu hoạch thêm khoảng 800kg. Dự kiến “bỏ túi” rủng rỉnh gần 30 triệu đồng, kể như ăn tết khỏe re!”

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 10 tháng Chạp là ông Chín Trường mua chừng 80 chậu cây giống vạn thọ và sống đời bông đỏ về trồng để tạo sắc xuân trước nhà và tặng cho người thân. Ông cho biết, nhờ tự chăm sóc và biết cách tưới nên bông lâu tàn và rất đẹp.

Ngồi trong mát bó rau cũng giúp người dân có thu nhập khá.
Ngồi trong mát bó rau cũng giúp người dân có thu nhập khá.

Nhà của ông Chín Trường thờ ông nội và thờ cha nên cứ đến ngày 30 tết và ngày mùng 3 tết là anh em xúm xít nấu nướng và cúng kiếng, theo kiểu “ai giỏi món gì thì làm món đó” nên mâm cơm tết tươm tất với các món: canh khổ qua, sườn nấu măng, gà luộc, bắp cải xào, thịt kho rệu rồi đến các món đồ nguội, đồ khô.

Với chủ trương “ăn tết tiết kiệm” nhưng gia đình ông Chín Trường cũng đảm bảo tươm tất để con cháu đến thắp hương cho ông bà có được bữa cơm đoàn tụ vui tươi, đầm ấm. Chuyện vui xuân ở nhà ông Chín Trường thì cứ có một người đi thì người còn lại phải ở nhà để lo tiếp khách, “bật mí” năm nay ông có thêm lịch trình mới là đi chúc tết sui gia.

Mùng 8 ăn tết

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tường khang trang, anh Trần Minh Hiếu- chủ cửa hàng kinh doanh gas và nước giải khát- cho biết: “Hàng ngày, cơ sở có 2 người phụ việc nhưng từ lối 22- 23 tháng Chạp phải thuê thêm 2 người phụ chạy giao hàng nhưng có khi vẫn không kịp và phải làm suốt đến mùng 8 mới thực sự được ăn tết”.

Gia đình có 9 anh chị em, anh Hiếu là con trai út lại ở nhà thờ nên năm nào cũng đến mùng 2 tết là con cháu tề tựu về để cùng nhau làm vài món ngon cúng ông bà và mẹ. “Năm nào cũng phải chuẩn bị sẵn vài chục bao lì xì mới đủ phát lộc cho các cháu”- anh Hiếu cười tươi.

Theo anh Hiếu, từ năm rồi khi về đích nông thôn mới, người dân nơi đây ăn tết cũng sung hơn. Nhờ được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện làm ăn và đầu tư đê bao hoàn chỉnh nên mùa lũ năm nay tuy nước lên cao nhưng các rẫy màu được bảo vệ khá an toàn và bán được giá cao nên đời sống người dân khỏe hơn.

Ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An- Phó BCĐ xây dựng nông thôn mới xã cho biết: Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 59,81 triệu đồng/người/năm, cao hơn 18,81 triệu đồng so quy định năm 2018.

Trong năm, trên địa bàn xã thành lập thêm cơ sở gia công túi xách và cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm đã góp phần tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi.

Bên cạnh, người trồng màu không bị ảnh hưởng bởi triều cường nên được mùa, được giá và hầu như không có người thất nghiệp. Người có sức khỏe thì ra đồng làm được trả công 300.000 đ/ngày, người không có sức khỏe ngồi trong mát bó rau cũng kiếm được 70.000- 100.000đ/ngày.

Ngay cả những người là chủ rẫy lúc rảnh cũng ra làm để kiếm thêm thu nhập. Chính nhờ sự cần cù, chăm chỉ mà đời sống người dân nơi đây ngày càng khấm khá.

Vào dịp tết, bên cạnh một số hộ duy trì nghề truyền thống làm mứt me, thì cũng có khoảng 30 hộ làm bánh tráng để có thêm thu nhập vui xuân.

“Điều đặc biệt là cuối năm 2017, khi xã về đích nông thôn mới, nhiều người dân đi làm ăn xa trở về ăn tết khá đông nên bà con mình chi tiêu cho ngày tết cũng cao hơn so với các năm trước”- Phó Chủ tịch UBND xã- Trương Thành Đến cho biết thêm. 

Để góp phần giảm dần hộ nghèo, trong năm xã Thuận An đã giới thiệu việc làm cho 476 lao động, giới thiệu xuất khẩu lao động 21 người. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 63,8%, vượt 38,8% so quy định. Lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên là 9.245 người, chiếm tỷ lệ 95,06%, tăng 25 lao động so năm 2017.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI