Cần khoảng 13.773 nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam

Cập nhật, 05:21, Thứ Ba, 26/02/2019 (GMT+7)

Theo SGGPO, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam.

Đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp đầu tư dự án.

Theo đề xuất tại báo cáo, dự án có tổng mức đầu tư 1.334.459 tỷ đồng (58,71 tỷ USD), được đầu tư để khai thác vận tải hành khách. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1.559km chạy dọc hành lang Bắc- Nam, đi qua 20 địa phương. Trong đó, 14km từ ga Hà Nội đến ga Ngọc Hồi đi chung với tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, còn 1.545km đi từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm. Trên tuyến có 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 (2020- 2032) có tổng mức đầu tư 516.600 tỷ đồng (24,71 tỷ USD), nhiệm vụ nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội- Vinh và Nha Trang- TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2 (2032- 2050) là 772.600 tỷ đồng (34 tỷ USD), đầu tư xây dựng đoạn Vinh- Nha Trang, trong đó đoạn Vinh- Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng- Nha Trang hoàn thành năm 2050.

Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất Nhà nước đầu tư khoảng 80%, vốn tư nhân khoảng 20% tổng mức đầu tư.

Về công nghệ, đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (Nhật, Đài Loan), hệ thống thông tin tín hiệu sử dụng công nghệ truyền tín hiệu điều khiển qua sóng vô tuyến, đóng đường sử dụng phân khu di động. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội- TP Hồ Chí Minh là 5 giờ 20 phút, nếu không dừng ở một số ga và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả các ga.

Về nguồn nhân lực, dự án cần khoảng 13.773 nhân lực với các chuyên ngành khác nhau, trong đó giai đoạn đến năm 2030 cần đào tạo 5.182 người, đến năm 2040 cần đào tạo thêm khoảng 7.569 nhân lực và đến 2050 cần thêm khoảng 932 nhân lực.

Dự kiến, sau khi Bộ Giao thông vận tải trình, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án.

PV