Những mô hình hiệu quả có tác động lan tỏa

Cập nhật, 05:15, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

Qua khảo sát thực tế các mô hình kinh tế hiệu quả và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2018 tại Huyện ủy Trà Ôn cho thấy kinh tế nông nghiệp- nông thôn của huyện đã có bước phát triển với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả có tác động lan tỏa và có thể nhân rộng.

Ông Lê Quang Đạo (thứ 2, bên phải) trao đổi với chị Thúy về cách thức làm ăn của cơ sở may ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn).
Ông Lê Quang Đạo (thứ 2, bên phải) trao đổi với chị Thúy về cách thức làm ăn của cơ sở may ở xã Tân Mỹ (Trà Ôn).

May gia công thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng

Đến tham quan cơ sở may gia công đồ lót xuất khẩu của chị Đặng Nguyễn Vĩnh Thúy (ấp Xẻo Tràm, xã Trà Côn), đoàn giám sát của Tỉnh ủy cho rằng đây được xem là một trong những mô hình làm ăn có hiệu quả cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Sau gần 2 năm may gia công tại cơ sở, chị Trần Thị Thanh Loan (ấp Xẻo Tràm) làm việc khá thành thạo, kiếm được 4,5- 5 triệu đồng/tháng, còn được bao cơm trưa. Đối với lao động nông thôn, đây được xem là mức thu nhập khá lý tưởng để trang trải chi tiêu gia đình.

Tay thoăn thắt đính nơ cho quần lót, chị Bùi Thị Mỹ Hoa (ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ) cho biết: tiền gia công đóng nơ 100 đ/cái, cũng kiếm được hơn 4 triệu đồng/tháng.

“So với trồng rẫy thì nghề may gia công này nhàn hơn nhiều, được ngồi trong mát làm việc, lại có thu nhập ổn định”- chị Hoa cười tươi.

Chị Đặng Nguyễn Vĩnh Thúy cho biết, trước đây chị làm việc cho một xưởng may ở TP Hồ Chí Minh và có kinh nghiệm làm tổ trưởng chuyền may.

Cách nay 6 năm, cha chị và người em của chị may gia công cho một công ty xuất khẩu đồ lót ở tỉnh Trà Vinh với khoảng chục máy may. Sẵn có máy may tại nhà nên cha chị muốn chị về làm để “vừa có thu nhập tại chỗ, vừa tạo việc làm cho bà con ở địa phương”.

Thế là chị quay về quê lập nghiệp và mở rộng sản xuất, đến nay đã có trên 50 máy may các loại, tạo việc làm cho 29 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/tháng.

Trừ chi phí, chị Thúy thu lời 12- 20 triệu đồng/tháng. Hiện, chị đang có nhu cầu về vốn để đầu tư nhà xưởng và mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và vốn lưu động để phát lương, lo ăn uống... cho nhân công.

Chị Thúy cho biết, nếu có điều kiện chị sẽ thành lập hợp tác xã nhằm từng bước mở rộng quy mô và tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Nhiều mô hình có sức lan tỏa

Trong đợt khảo sát lần này, chúng tôi có dịp tham quan “rừng” cam xanh bạt ngàn với diện tích rộng đến 100ha do anh Nguyễn Thành Trung (TP Mỹ Tho- Tiền Giang) tới thuê đất trồng cam ở xã Thới Hòa.

Tiếp chúng tôi với nụ cười thật tươi, anh Trung cho biết: Nếu tính tổng diện tích đất anh thuê ở các huyện lên đến hơn 200ha.

Ông Lê Quang Đạo (bìa trái) chia sẻ với nông dân về mô hình trồng cam sành.
Ông Lê Quang Đạo (bìa trái) chia sẻ với nông dân về mô hình trồng cam sành.

Đây là một trong những mô hình làm ăn lớn được anh đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long do vùng đất nơi đây khá thích hợp để đưa cam sành xuống ruộng. Ở các tỉnh lân cận, anh còn thuê đất để trồng bưởi, sầu riêng.

Hiện, anh Trung tham gia vào Hợp tác xã Cam sành Phú Nông (ấp Tường Nghĩa, xã Thới Hòa) với 18 xã viên tham gia trên diện tích 60ha. Anh Trung cho biết: năng suất lứa đầu đạt 7 tấn/ha/năm, giá bán 10.000 đ/kg, bước đầu mang lại hiệu quả cho hợp tác xã.

Tính riêng mô hình trồng cam của anh Trung cũng đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động tại tỉnh Vĩnh Long. Song, vấn đề anh Trung lo nhất hiện nay là đầu ra cho trái cam không ổn định với mức giá lên xuống thất thường. Tuy nhiên, nếu giữ mức giá như đợt thu hoạch trái chiếng vừa rồi vẫn đảm bảo có lời.

Huyện Trà Ôn có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ước cả năm đạt 401 tỷ đồng, đạt 127,2% nghị quyết. Có 1.676 cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước cả năm 3.557 tỷ đồng, đạt 101,2% so nghị quyết, tăng 9,2% so cùng kỳ.

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Lê Thanh Vũ, thời gian qua huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tác động lan tỏa và có thể nhân rộng.

Cụ thể như: mô hình trồng cam sành trên đất lúa với diện tích 3.864ha, tập trung tại các xã Thới Hòa, Hựu Thành, Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn, năng suất 40- 80 tấn/ha, lợi nhuận 120- 150 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng bưởi Năm Roi với diện tích 932,2ha tập trung tại các xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành, Thiện Mỹ, năng suất 30- 35 tấn/ha, lời 180- 220 triệu đồng/ha/năm...

Toàn huyện còn xây dựng được 9 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ Trà Côn, Vĩnh Xuân, Hựu Thành và thị trấn Trà Ôn; trong đó có 3 điểm bán rau và 6 điểm bán thịt.

Nhà nước cũng đã hỗ trợ kinh phí cho 4 điểm với tổng kinh phí 20 triệu đồng, còn lại do tiểu thương tự xây dựng.

“Thông qua mô hình này còn góp phần tạo cầu nối liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản giữa các hộ sản xuất và kinh doanh tại chợ.

Qua đó còn định hướng cho người dân sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản theo định hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”- Phó Bí thư Huyện ủy Trà Ôn Lê Thanh Vũ cho biết.

Theo đồng chí Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long: “Khi sản xuất bất cứ mặt hàng nào thì vấn đề quan trọng là đầu ra ổn định góp phần tăng thu nhập cho gia đình và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.

Đối với cơ sở may gia công, ông Lê Quang Đạo đã định hướng cơ sở làm hồ sơ để được hưởng chính sách khuyến công từ ngành công thương.

Riêng đối với mô hình trồng cam, ông quan tâm đến đầu ra ổn định và định hướng nông dân hướng tới sản xuất theo chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sự phát triển vững thời gian tới.

Diện tích vườn cây ăn trái huyện Trà Ôn hơn 11.740ha, tăng 130ha so cùng kỳ, chủ yếu là đất lúa chuyển sang vườn; riêng diện tích thâm canh cam sành trên đất lúa 2.681ha, nâng diện tích cam sành toàn huyện hơn 3.900ha, trong đó diện tích cho hiệu quả kinh tế 2.536ha, giá cam sành hiện nay tuy giảm mạnh so cùng kỳ nhưng người trồng vẫn lời ít nhất vài chục triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI