TX Bình Minh: Giảm thiểu thiệt hại do triều cường

Cập nhật, 05:46, Thứ Tư, 17/10/2018 (GMT+7)

Những người lớn tuổi luôn nhớ mùa nước nổi năm 1978, tuy nhiên đỉnh nước đầu tháng 9 âm lịch vừa rồi đã vượt xa mùa nước 40 năm trước. Đặc biệt, khu vực đô thị của TX Bình Minh hầu như chìm lút trong nước, mọi sinh hoạt buôn bán, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, do có chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, hệ thống đê bao khá hoàn chỉnh nên hạn chế thấp nhất những thiệt hại về cây trồng.

Chợ Cái Vồn ngập sâu.
Chợ Cái Vồn ngập sâu.

Khu vực đô thị ngập nặng

Ông Hai Sơn (58 tuổi) ở xã Thuận An, nhắc lại: “Hồi xưa cái con đường trước nhà gần cầu Cái Vồn còn thấp lắm, nhưng mùa nước năm 1978 vẫn chỉ mới mấp mé hà.

Vậy mà hôm rồi, dù con lộ đã tôn cao lên rất nhiều nhưng vẫn bị ngập lút hơn nửa thước. Xe chỉ chen nhau trên lề mà vẫn chết máy quá nhiều. Như vậy nước năm nay còn cao hơn năm 1978 chừng cả thước nước luôn”.

Diện tích bị ngập, tràn 284,9ha. Trong đó: phường Cái Vồn: có 6,4ha (bưởi, chanh); phường Thành Phước: 30ha (bưởi, mít); phường Đông Thuận: 1ha (mận, bưởi); xã Thuận An: 3,5ha (bưởi, cam sành, xoài); xã Đông Bình: 20ha (mận, bưởi, cam sành); xã Đông Thạnh: 32ha (bưởi, cam sành, vú sữa, ổi); xã Đông Thành: 12ha (bưởi, chanh, cam sành); xã Mỹ Hòa: 180ha (bưởi). Hiện chưa xác định được thiệt hại nhưng sẽ làm giảm năng suất quả.

Thông thường mùa nước lên, vật liệu xây dựng bán chậm lại nhưng năm nay thì bán không kịp, do nhà nào cũng chạy mua gạch cát, xi măng về tấn hoặc xây bít cửa trước, cửa sau ngăn nước tràn vào nhà. 

Những ngày triều cường, nhịp sống bà con hầu như bị rối loạn, mọi người lo ngăn nước, tát nước bằng tay hoặc đặt máy bơm nước.

Có những khu vực ngập sâu quá, một số hộ gia đình đành chịu trận mặc cho nước tràn thoải mái. Nhà ông Sáu Hẹn ở Khóm 3 (phường Cái Vồn) nói như giỡn chơi vậy:

“Nhà tui hổng có gì quý giá, nó trống trơn hà. Hôm nước lên ngập giường ngủ luôn, tui bắc ghế ngồi dựa vô vách… ngủ ngồi đợi nước rút”.

Những ngày này, QL1 đoạn gần cầu Rạch Múc (Thuận An), cơ quan chức năng đang cho lực lượng nhanh chóng sửa chữa những đoạn bị bong hư mặt lộ.

Theo một số bà con tại đây, khu vực này ngập nặng, lại thường xuyên là bến đỗ vô ra vận chuyển khoai, cộng với lưu lượng xe trên đường trong khi bị ngập trong nước nên dẫn đến hư hỏng vài nơi.

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TX Bình Minh thì tất cả các chợ đều ngập sâu, như chợ: Cái Vồn, Thuận An, Mỹ Hòa, Đông Thạnh làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tiểu thương. Toàn thị xã bị ngập 2.250 nền nhà.

Trong đó: phường Cái Vồn có 700 hộ, phường Thành Phước (500), phường Đông Thuận (350), xã Thuận An (234), xã Đông Bình (100), xã Đông Thạnh (56), xã Đông Thành (35), xã Mỹ Hòa (275). Trước mắt, chưa có thông tin gây ảnh hưởng thiệt hại lớn tài sản bên trong nhà.

Chị Hằng bán cá ở chợ Cái Vồn cho rằng, bán cá gần 20 năm rồi, chưa bao giờ thấy cảnh ngập dữ như năm nay.

Buổi sáng nhà nào người ta cũng lo ngập, đâu ai thiết đi chợ búa gì, loay hoay tới giờ trưa lo cơm nước, đón con cái đi học. Nhiều người ngán lội nước vô chợ, nên mấy ngày nước lên buôn bán ế ẩm lắm.

Ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh- cho biết: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đã đảm bảo chế độ trực nghiêm túc để chỉ huy, điều hành tốt công tác ứng phó thiên tai, đồng thời tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, chủ động liên hệ trước và điều động máy đào phục vụ công tác ứng phó, chống lũ tràn.

Giảm thiểu thiệt hại cây trồng

Các tuyến đường đô thị Bình Minh đều ngập nặng.
Các tuyến đường đô thị Bình Minh đều ngập nặng.

Trước đỉnh triều cường tháng 9 âm lịch, TX Bình Minh chủ động chỉ đạo thu hoạch dứt điểm lúa Thu Đông và xây dựng kế hoạch xuống giống vụ lúa Đông Xuân theo đúng lịch thời vụ. 

Thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; nâng cao hiệu quả các mô hình, dự án.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển sản xuất; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở để xây dựng kế hoạch phòng chống, di dời đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa lũ. 

Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi; tập trung gia cố, khắc phục các đoạn sạt lở; tuyên truyền và chủ động phương án phòng, tránh thiên tai, chú ý quan tâm các đợt triều cường theo dự báo.

Trong công tác chỉ đạo tổng thể 9 tháng đầu năm, lãnh đạo các cấp đã chú trọng vấn đề dự báo, phòng chống thiên tai, gia cố an toàn hệ thống đê bao nên chỉ xảy ra ngập cục bộ một số địa bàn. Những nơi xung yếu, nước tràn vỡ đập cũng đã được kịp thời khắc phục tốt.

Hiện mọi sinh hoạt người dân trở lại bình thường, lãnh đạo các cấp tiếp tục thống kê chính xác diện tích, địa bàn ngập và mức độ thiệt hại.

Tuy nhiên, đợt triều cường vừa qua được xem là đỉnh lũ lịch sử, vượt qua mùa nước năm 1978, nhưng do có sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, hệ thống đê bao nông thôn đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cây trồng.

TX Bình Minh trong những ngày triều cường, dù bị ngập nặng nhưng đã huy động “4 tại chỗ”: Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh và thị xã phối hợp hàng ngày khi triều cường lên thực hiện điều tiết đảm bảo an toàn giao thông, cứu hộ xe bị hỏng, đưa chở phương tiện người dân… đi qua các điểm giao thông bị ngập sâu ở tuyến QL1. Các xã- phường điều động 230 lượt cán bộ, lực lượng công an, dân quân tự vệ với 385 ngày công tham gia hỗ trợ, giúp nhân dân thực hiện ngăn lũ tràn. UBND các xã- phường đã chi kinh phí 155 triệu đồng để thực hiện mua sắm vật tư, đào đắp- gia cố các công trình và phục vụ công tác chống lũ. Huy động nguồn lực từ nhân dân đóng góp, tham gia công tác chống lũ: tiền mặt 138 triệu đồng, 1.829m3 đất- cát, 1.807 ngày công lao động và vật chất khác trị giá khoảng 72 triệu đồng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG