Triều cường dâng cao, dân ráo riết chống ngập

Cập nhật, 05:35, Thứ Sáu, 12/10/2018 (GMT+7)

Lo lắng, bất an là tâm trạng của người dân trước cơn triều cường bất ngờ trong mấy ngày qua. Triều cường đã làm ảnh hưởng và thiệt hại nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân. “Chưa bao giờ ngập sâu như năm nay”- nên nhiều người dân trở tay không kịp.

Dầm mình trong nước để cắt lúa.
Dầm mình trong nước để cắt lúa.

Con nước cao bất ngờ

“Nước ngập sâu chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây” là nhận xét của nhiều người trước cơn triều cường bất ngờ nhiều ngày nay. Không chỉ ngập đường sá, nhà cửa, nước dâng còn ngập ao cá, ruộng lúa, rau màu… gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Tại xã Tân Phú (Tam Bình), từ nhiều ngày nay, địa phương cùng người dân đang ráo riết be bờ chống nước tràn.

Bà Phan Thị Loan- Chủ tịch UBND xã- cho biết: “Mười mấy năm tôi làm ở xã này, chưa năm nào UBND xã ngập như năm nay”. Dọc Đường tỉnh 905 thuộc địa bàn xã, nước cũng tràn “rào rào” từ con nước cuối tháng 8 âl.

Chị Tôn Thị Kiều Trang- cán bộ nông nghiệp thủy lợi xã Tân Phú- cho hay: Con nước từ ngày 6- 9/10, triều cường dâng cao đã làm một số tuyến đường, đê bao, đập bị tràn cục bộ từ 0,3- 1,3m với chiều dài 7,2km, cần gia cố 15 đập.

Trong đó, do đang vào vụ Thu Đông nên nước tràn đã làm ngập khoảng 550ha lúa chuẩn bị và đang thu hoạch, 163 hộ bị ảnh hưởng nhà với 3ha vườn cây ăn trái, 2 ao cá lớn. Ước tổng thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Dù có nghe dự báo con nước sẽ lên nhanh nhưng gia đình chú Phạm Minh Trường (Ấp 1, xã Tân Lộc- Tam Bình) cũng không kịp trở tay vì nước dâng cao quá.

Chú Trường bàng hoàng kể lại: “Lối hơn 4 giờ khuya 29/8 âl, nước làm vỡ đê ngay ao cá của nhà tui, nước tràn vô trôi đồ đạc rồi ao cá cũng bị tràn, cá thoát ra ngoài gần hết. Đứt ruột, tui lấy chài quăng ra sân bắt lại được cỡ chục ký cá, còn mấy con heo trong chuồng nước ngập tới đầu luôn”.

Còn chú Phạm Hồng Thanh- em chú Trường- cũng bị thất thoát 2 vèo cá mấy ngàn con. Chú Thanh cười buồn: “Tính qua con nước này là thu hoạch bán được rồi, ai mà ngờ nước lên cao rồi vỡ đê bao luôn. Ý là tui canh chừng từ tối tới khuya mà cũng phải chịu thua”.

Sáng sớm hôm vỡ đê, anh em chú Trường cùng 10 người dân đã đắp lại đê bao để ứng phó với con nước tới.

“Đắp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, vừa xong là nước lên tới mí luôn. Giờ khuya thức dậy canh con nước vì đất ở đây mềm lắm dù đã chắn ny lông, bao cát nhưng nó ập vô lần nữa thì tiêu hết”- chú Trường cho hay.

Triều cường cũng đã làm “ngập lút đầu” 2 công lúa của anh Lê Hoàng Vũ (ấp Mỹ Thành, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình). Anh Vũ cho hay: “Còn có vài ngày nữa là cắt được rồi, giờ ngập vậy không biết máy cắt được không mà cũng khó kêu cắt tay, vụ này coi như xong”.

Trong khi đó, tại Mang Thít, do triều cao đã làm cho 38 điểm tràn, sạt lở đê bao với chiều dài trên 21km, gây thiệt hại gần 220 triệu đồng (của 10 hộ dân do hư hơn 50 muôn gạch sống). Tại Long Hồ, Vũng Liêm, nhiều đoạn đê bao, đường cũng bị tràn, một số vườn cây ăn trái cũng bị ngập.

Ráo riết ứng phó, khắc phục

Sau khi nước rút bớt, nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chống nước tràn, gia cố đê bao, be bờ, đắp đập… để ứng phó với con nước tới. Bà Phan Thị Loan- Chủ tịch UBND xã Tân Phú- cho biết:

Từ 6/10/2018 (tức 27/8 âl), UBND xã đã vận động người dân cùng làm bờ bao cát chống lũ. Với 300 khối cát, trong ngày thứ bảy đó chúng tôi làm tới gần 1 giờ sáng chủ nhật mới xong. Theo đó, cánh đồng xã Tân Phú đang mùa làm đồng nên “đang cắt rút để tránh nước”.

Dù chưa chịu thiệt hại bởi con nước tràn bờ rồi cũng rút đi nhanh nhưng xã Phú Lộc (Tam Bình) đã sửa lại 2 trạm bơm để chuẩn bị phòng chống lũ. Anh Nguyễn Thanh Hiệp- cán bộ nông nghiệp xã- cho biết: “Ý thức người dân rất tốt, đê bao có tràn ít ít là hộ dân tự đắp thêm lên.

Cách đây 1 tháng, UBND xã đã khảo sát và chuẩn bị cho những điểm xung yếu. Do đê bao khép kín 100% nên chưa có thiệt hại gì”. Tại nhiều địa phương khác, công tác chống lũ, triều cường đã và đang gấp rút thực hiện.

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm- cho biết: Huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê bao, cống bộng ở những nơi kém an toàn, những nơi có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở.

Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó với mưa bão, triều cường và lũ dâng lên nhanh, vận động di dời các hộ sống ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở...

Đối với những nơi xảy ra sạt lở, địa phương cũng đang vận động toàn sức lực của quân và dân để gia cố, ứng phó kịp thời với con nước tới.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đã huy động lực lượng, vật tư tại chỗ tu sửa kịp thời các công trình bị hư hỏng, phần còn lại huy động nhân dân thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, các địa phương đã khắc phục xong số đập bị tràn và đập bị vỡ, gia cố các bờ bao tràn, bị vỡ.

Có thể thấy, mọi công tác ứng phó, khắc phục đang được các địa phương tất bật thực hiện. Theo nhiều người dân, con nước rằm tới sẽ còn “dữ dằn” hơn.

Do đó, người dân mong ngành chức năng sớm có biện pháp khắc phục, gia cố thêm các đê bao, cống đập. Theo đó, người dân cũng cần chủ động ứng phó để bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của bản thân và gia đình.

Tính đến chiều 11/10/2018, triều cường đầu tháng 9 âl đã gây thiệt hại một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, ước thiệt hại trên 5,5 tỷ đồng. Cụ thể: Có 4.452 căn nhà ở bị ngập. Về nông nghiệp ước thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng, trong đó trên 841ha lúa Thu Đông bị ngập, trên 1.555ha vườn cây ăn trái bị ngập.

Về công trình thủy lợi ước thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, có 191 tuyến bờ bao bị tràn, với trên 182km, 49 tuyến bờ bao bị vỡ, với trên 2,5km; 60 đập bị tràn, 34 đập bị vỡ. Công trình giao thông ước thiệt hại 375 triệu đồng, với trên 106km đường đan bị ngập, 75m đường đan bị hư hỏng, 12km đường tỉnh lộ, quốc lộ bị ngập. Về thủy sản ước thiệt hại trên 1,8 tỷ đồng do 4,2ha ao cá bị ngập, thiệt hại trên 46 tấn cá các loại. Chăn nuôi ước thiệt hại 160 triệu đồng do 160 chuồng bị ngập.

Bài, ảnh: HUYỀN LY