Người dân thành phố lo chống ngập

Cập nhật, 06:05, Thứ Bảy, 13/10/2018 (GMT+7)

Con nước triều cường cuối tháng 8 đầu tháng 9 âl được nhận định là đạt đỉnh cao kỷ lục ở ĐBSCL. Chưa bao giờ người dân ở các đô thị lại đứng ngồi không yên lo chống ngập như mấy ngày vừa qua.

Đỉnh triều cường vừa qua gần như “nhấn chìm” hầu hết các con đường ở nội ô TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, thị trấn Long Hồ, rất nhiều tuyến đường tỉnh, QL1, QL53… cũng không tránh được nước tràn.

So với những con nước tràn qua rồi rút xuống nhanh hay chỉ mấp mé đường lộ, con nước năm nay hầu như khiến người dân thành phố bừng tỉnh.

Những người ở đô thị lâu năm như chú Ba Hân (Phường 5) bảo: “Tui ở đây 40 năm, chưa năm nào nước tràn vào nhà”. Vậy mà năm nay, chú phải đi mua từng bao cát, cục gạch để xây tạm bờ bao chống ngập cho nhà mình.

Mấy ngày qua, người mua đổ xô đi mua chục bao cát, vài ký xi măng, chục cục gạch… để chống ngập.

Các cửa hàng vật liệu xây dựng lúc nào cũng đông khách, tới mua lẻ mẻ nên phải tự xúc cát vô bao, tự cân xi măng, chất gạch vô bao… rồi tính tiền và tự chở về nhà.

Vì nhu cầu quá lớn, nhân viên cửa hàng chỉ đáp ứng những người mua số lượng lớn, mà “vắt giò lên cổ” cũng còn chạy không kịp!

Cô Út Tiếu ở đường Mậu Thân (Phường 3) than vãn “đuối như trái chuối” vì ngày nào cũng sáng chiều lo chống ngập, tát nước, lau chùi nhà cửa mỗi khi nước rút đi. Nhà cô gần mé sông Cầu Lầu, chặn bao cát đầu này, nhưng nước lại rỉ từ dưới nền gạch lên đầu kia, dù có ngăn, chặn đủ đường rồi vẫn bị nước “tấn công”.

Rất nhiều nhà ở các con hẻm, nhà xây dựng lâu năm cũng lâm vào tình cảnh ngập như vậy. Nên mỗi con nước qua đi, người dân chỉ biết cầu mong con nước sau đừng cao hơn con nước trước.

Người dân sống ở đô thị hẳn đã có những bài học chống ngập rất thực tế và không thể chủ quan trước những thông tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn.

Bởi nhờ nghe ngóng tin tức báo đài, người dân chủ động đắp bờ, nhét cống, kê nới đồ đạc… mà giảm ảnh hưởng và thiệt hại đáng kể.

Tuy vậy, về lâu dài người dân rất cần có những giải pháp chống ngập hiệu quả và bền vững hơn. Người đô thị sẽ phải tìm cách sống chung với triều cường, như người dân ở nông thôn đã từng sống chung với lũ thành công, được không?

LÝ AN