Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng

"Nhà lãnh đạo tài năng, toàn diện"

Cập nhật, 05:40, Thứ Tư, 17/10/2018 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng, ngày 16/10/2018, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh long trọng tổ chức hội thảo khoa học: “Đồng chí Phan Văn Đáng- những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”. Gần 60 tham luận của các đại biểu; trong đó có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; các đồng chí lão thành cách mạng và lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu trung ương, địa phương... 

Điều đó thể hiện sự trân trọng và tình cảm kính yêu của nhiều thế hệ dành cho đồng chí Phan Văn Đáng- người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ trái sang), Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ trái sang), Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón (thứ hai từ trái sang) cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Người cộng sản kiên trung với Đảng

Đồng chí Phan Văn Đáng sinh năm 1918, sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của vùng đất Cái Ngang địa linh nhân kiệt.

Mở đầu bài tham luận của mình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Anh Hai Văn lớn hơn tôi gần 2 con giáp. Xét về tuổi đời, đối với tôi, anh thuộc vào hàng cha, chú.

Là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung ương Cục miền Nam suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhưng anh sống chan hòa với cán bộ, đảng viên nên rất dễ gần, dễ mến.

Ở anh, trong mối quan hệ giao tiếp với mọi người, không hề có sự phân biệt đối xử về tuổi tác, chức vụ và quá trình công tác.

Ngay từ những tháng năm sống ở “R” tại chiến khu Bắc Tây Ninh, lớp trẻ chúng tôi vẫn thân mật gọi là “anh Hai”- “chú Hai”… 

Điều để lại ấn tượng đẹp trong ký ức tôi là, một đồng chí Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác trọng yếu của Đảng- công tác tổ chức cán bộ, song anh Hai không phải là con người gò bó, khô khan.

Có lẽ, do đã từng lăn lộn trong quần chúng và gắn bó máu thịt với đồng bào, nên cách giao tiếp của anh thật bình dân, giản dị.

Những đức tính đáng quý này cộng với gương mặt thông minh tuấn tú và nụ cười đôn hậu của anh, đã giúp anh tạo được sức hút đối với anh em, đồng chí, bạn bè”.

Không chỉ là một nhà cách mạng tài năng, ở đồng chí Phan Văn Đáng còn là một nhà lý luận. Tuy không được học hành bài bản, nhưng ở đồng chí luôn ngời sáng một tấm gương tự học, tự rèn, vì vậy những bài viết, bài nói của đồng chí trên nhiều lĩnh vực mang tính thuyết phục cao.

Ngoài ra, đồng chí còn là cây bút sắc sảo với nhiều bài viết về xây dựng Đảng, về vai trò tiên phong của người cán bộ, đảng viên, vai trò của lực lượng thanh niên, việc học tập đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh… và nhiều vấn đề khác mang tính chính luận trên các báo, tạp chí của Đảng đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, cấp thiết.

Trong bài tham luận “Phan Văn Đáng- tấm gương đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh”- PGS.TS Phạm Hồng Chương- nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng- nhận định rằng, đồng chí Phan Văn Đáng luôn ngời sáng tấm gương đạo đức cách mạng, luôn phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn trăn trở và nhiều tâm huyết với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngay khi còn công tác và lúc về hưu.

Đồng chí còn là tấm gương sáng về tinh thần cầu thị, tự học, tự rèn luyện, không ngừng học hỏi nâng cao trình độ và lý luận cách mạng, tác phong làm việc khoa học, sâu sát, gần gũi, chân tình,…

Những phẩm chất đó soi chiếu với những quan điểm của đồng chí Phan Văn Đáng để nhận thức rõ hơn về một đảng viên Đảng cộng sản, một nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Hết lòng vì dân, vì nước

Con và cháu đồng chí Phan Văn Đáng tự hào khi xem những hình ảnh, tư liệu về người cha, ông đáng kính của mình tại triển lãm chuyên đề “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Đáng” .
Con và cháu đồng chí Phan Văn Đáng tự hào khi xem những hình ảnh, tư liệu về người cha, ông đáng kính của mình tại triển lãm chuyên đề “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phan Văn Đáng” .

Ngày 2/7/1976, tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI, đồng chí Phan Văn Đáng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội với số phiếu là 482/483 phiếu.

Số phiếu cao như vậy thể hiện đồng chí là người có uy tín trong nhân dân, được nhân dân luôn luôn tin tưởng, yêu mến.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, nhằm phát huy kết quả kỳ họp, sau các kỳ họp Quốc hội, đồng chí Phan Văn Đáng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long lên chương trình hoạt động, phân công đại biểu đến các cơ sở để báo cáo kết quả kỳ họp.

Đoàn cũng đã liên hệ với địa phương, có những kiến nghị với chính quyền tỉnh nhằm đẩy mạnh sản xuất, động viên nhân dân tích cực lao động, đạt các chỉ tiêu kế hoạch của địa phương.

Đồng chí cũng đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long tổ chức phòng tiếp dân, phân công đại biểu trực tiếp xúc với dân, quy định ngày tiếp và thông báo rộng rãi để nhân dân biết.

Ngoài phòng tiếp dân đặt ở các tỉnh lỵ, đồng chí cũng đề nghị tổ chức thêm phòng tiếp dân ở một số thị xã, có nhiều đại biểu tiếp dân ngay nơi công tác hoặc cư trú…

Một điều nữa làm nên nhân cách Phan Văn Đáng không chỉ là sự kiên trung, kiên định cách mạng. Trong con người này còn hội tụ đầy đủ những đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.

Những đức tính này vừa vận động lại vừa cố kết một cách chặt chẽ, nó được thể hiện thông qua ý chí, tư tưởng và đạo đức xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông.

Cuộc đời hoạt động cách mạng và nhân cách đạo đức của đồng chí Phan Văn Đáng mãi là niềm tự hào của tất cả thế hệ cháu con.

Người con thứ 5 Phan Tiến Dũng đã nhớ về người cha đáng kính, mẫu mực của mình: “Một đức tính nữa ở ông mà không thể không nhắc đến đó là sự thủy chung, tấm lòng yêu thương hết mực đối với vợ con và gia đình.

Ông là một người chồng, người cha, người anh, người bác, người cậu… hết sức thân thương trong con mắt của mọi người. Ông luôn sưởi ấm mọi người bằng chính con tim của mình.

Có một người mà suốt quãng thời gian cuối của cuộc đời, ông đã dành trọn tình yêu thương cho con người ấy”.

Và nói một cách công bằng, không hề khiên cưỡng rằng: Người vợ- người đàn bà mẫu mực ấy là người đã góp một phần quan trọng và hết sức lớn lao để làm nên nhân cách Phan Văn Đáng!

Và cũng chính cái tình bao la ấy đã khiến cho ông cảm động và sau này đã làm tặng vợ mình 2 câu thơ hết sức mộc mạc nhưng chan chứa tình yêu và sự thủy chung: “Xưa anh nói yêu em tới già/ Bây giờ tôi vẫn thương bà như xưa”…

Với các đóng góp quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các cơ quan ban ngành trong, ngoài tỉnh đã góp phần làm rõ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Văn Đáng và những cống hiến của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam.

Qua đó, khẳng định tôn vinh tấm gương người chiến sĩ cộng sản Phan Văn Đáng suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân; góp phần giáo dục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Là một “bạch đầu quân” suốt đời nặng nợ nghĩa tình với đồng bào và đồng đội, nên trong cuộc sống tình cảm của anh Hai không có chỗ trống để cho sự thiếu vắng anh em, đồng chí, bạn bè.

Với 79 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, đi suốt cuộc trường chinh vạn dặm từ những ngày máu lửa của cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa đến lúc kết thúc vẻ vang 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, 5 năm bị đày đi lưu xứ và biệt giam tại chốn địa ngục trần gian ở nhà tù Côn Đảo, anh Hai Văn thật xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản kiên cường trên mảnh đất quê hương “Thành đồng Tổ quốc”, xứng đáng là người con trung hiếu mẫu mực của nhân dân”.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- THÚY QUYÊN

TIN LIÊN QUAN