Học tập tinh thần suốt đời phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước của gia đình bác Hai Văn

Cập nhật, 04:53, Thứ Ba, 16/10/2018 (GMT+7)

LTS: Hôm nay (16/10/2018), nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Đáng (10/1918- 10/2018), Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo “Đồng chí Phan Văn Đáng- những dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” tại hội trường Tỉnh ủy.

Đây cũng là dịp để những người từng vinh dự làm việc, tiếp xúc với đồng chí Phan Văn Đáng (còn gọi là Hai Văn)- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long- ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng và làm rõ thêm những phẩm chất đáng quý của người cộng sản kiên trung với Đảng, kiên cường với địch song cũng hết lòng vì dân, vì nước.

Báo Vĩnh Long trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Trương Quang Phú- nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Đồng chí Phan Văn Đáng cùng phu nhân là bà Trần Thị Hóa tại nhà ở Căn cứ Pham To Campuchia 1971.
Đồng chí Phan Văn Đáng cùng phu nhân là bà Trần Thị Hóa tại nhà ở Căn cứ Pham To Campuchia 1971.

Gia đình, dòng tộc giàu truyền thống cách mạng

Đọc qua các bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của bác Hai Văn, tôi thật xúc động và kính trọng gia đình và họ tộc của bác vô cùng. Đó là một gia đình đại cách mạng, tỏa sáng “hào khí Cửu Long”.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước, gia đình họ tộc bác Hai Văn đã viết nên những trang sử thi huyền thoại.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc ta, không có giai đoạn nào mà gia đình, họ tộc của bác không có người hy sinh bất khuất.

Cụ Phan Văn Hòa- thân sinh bác Hai Văn- là một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Trong lúc tích cực chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thì ngày 10/9/1939, ông bị giặc bắt đày ra Côn Đảo và ông đã hy sinh ngoài ấy.

Một năm sau, sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cái Ngang, bác Hai Văn cũng bị giặc Pháp bắt lưu đày ra Côn Đảo, đến khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công mới được giải thoát về đất liền.

Bà cụ Nguyễn Thị Ngân- thân mẫu của bác Hai Văn- cũng bị giặc Pháp bắt sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, cô Ba Tốt (Phan Thị Tốt), chú Tư Trạch (Phan Văn Trạch), cô Tứ Mai (vợ chú Tư Trạch)- em dâu bác Hai Văn- cũng bị địch bắt bớ, giam cầm tra tấn dã man.

Riêng cô Ba Tốt- em gái bác Hai Văn- bị kẻ thù cầm tù, đày đọa 11 năm trời. Đặc biệt, chị Nguyễn Việt Hồng- con gái cưng của cô Ba Tốt và chú Nguyễn Hồng Sơn, gọi bác Hai Văn bằng cậu- cũng không thoát khỏi bàn tay đẫm máu của kẻ thù.

Chị tham gia đội biệt động Cần Thơ khi mới 17 tuổi, không may rơi vào tay giặc và hy sinh oanh liệt tại TP Cần Thơ.

Chị đã bị kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man và chúng cũng đã móc đôi mắt của chị.

Song, trước khi trút hơi thở cuối cùng, chị vẫn nêu cao khí phách “đứng trên đầu thù” để lại cho các thế hệ trẻ sau này “dáng đứng kiêu hùng” của người con gái quê hương Tam Bình- Vĩnh Long (chị Hồng hy sinh lúc 19 tuổi và sau này chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”).

Năm 1966, người đồng chí, người bạn đời yêu quý của cô Ba là chú Nguyễn Hồng Sơn- một cán bộ ưu tú của Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá- đã anh dũng hy sinh. 3 năm sau đó thì chị Nguyễn Việt Hồng hy sinh.

Chỉ trong vòng 5 năm, cô Ba Tốt đã 2 lần gánh nặng nỗi đau thương tột cùng, sự mất mát không gì bù đắp được.

Tính từ năm 1963- 1969, trong gia đình bác Hai Văn có 3 người hiến dâng tính mạng mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chú Nguyễn Hồng Sơn, chị Việt Hồng, chú Tư Trạch (Phan Văn Trạch- em út bác Hai Văn) đã ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hy sinh hết sức anh dũng trong nhà tù chính quyền Sài Gòn.

Một gia đình họ tộc luôn giữ vững truyền thống cách mạng, sẵn sàng hy sinh tất cả vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước sau này, trong đó công lao to lớn của bác Hai Văn.

Khi ông cụ Phan Văn Hòa bị Pháp bắt và hy sinh ở Côn Đảo, khi bác Hai Văn được giải thoát trở về đất liền thì lúc ấy bác là trụ cột của gia đình nêu gương sáng về phẩm chất chiến đấu cho lý tưởng của Đảng.

Bác Hai Văn còn động viên cả gia đình thực hiện lời giáo huấn của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Bác Hai Văn lúc nào cũng là người đứng mũi chịu sào, xả thân vào bão táp của cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù, động viên gia đình người trước ngã, người sau nén đau thương cùng đồng đội bám sát đồng bào mà chiến đấu. Nhờ đó, cả gia đình không có một thành viên nào lùi bước.

Như chúng ta biết, ngày 10/9/1939 cụ Phan Văn Hòa thân sinh bác Hai bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo thì cùng vào tháng 9/1939, bác Hai Văn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Một năm sau (sau Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tam Bình), bác Hai cũng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, bác Hai được giải thoát về đất liền. Từ đó, bác Hai tham gia cùng Tỉnh ủy lãnh đạo, đã trải qua các cương vị lãnh đạo như:

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà, Xứ ủy viên, Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương cục Miền Nam phụ trách Trưởng Ban Tổ chức và Trưởng Ban An ninh Trung ương cục Miền Nam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,...

Là một cán bộ cao cấp của Trung ương cục Miền Nam phụ trách tổ chức cán bộ và an ninh, các cán bộ xung quanh Trung ương cục Miền Nam và các tỉnh hình dung ông già này chắc khó “giàng trời mây nước”, nhưng khi tiếp xúc với bác Hai Văn thì không phải vậy, mà đó là con người đức độ, tâm huyết và nhiệt tình, trên dưới bình đẳng, khiêm tốn, chan hòa, cởi mở, vị tha, có nụ cười sảng khoái và có cả tâm hồn nghệ sĩ.

“Ông tiên nghệ sĩ”

Tôi xin kể 2 chuyện về lòng vị tha và tâm hồn nghệ sĩ của bác Hai Văn như sau:

Trong những năm 1960, tình hình cách mạng lúc bấy giờ còn rất khó khăn, thiếu thốn, nên lệnh của đoàn Cục Chính trị Miền Nam không cho anh em hát vọng cổ.

Theo mấy chú lãnh đạo, vọng cổ hát nghe mùi quá, sợ anh em chiến đấu không nổi. Nhưng, vì quá ghiền nên mỗi đêm tôi chui xuống hầm trốn B52 để “mình hát mình nghe” cho đỡ ghiền.

Một hôm nghe thủ trưởng Xuân Hồng phổ biến là đoàn đón tiếp một đồng chí cấp cao. Sau một lúc trò chuyện hỏi thăm về tình hình sinh hoạt và chương trình tiết mục của đoàn, chú cán bộ hỏi: “Trong các cháu, có cháu nào hát được vọng cổ không?”

Tôi được cho phép hát 2 câu vọng cổ trong tuồng “Phạm Công- Cúc Hoa” mà hồi ở nhà tôi nghe radio còn thuộc lòng cho đến khi đi bộ đội.

Mấy hôm sau, lúc tôi đang lên cơn sốt, đang nằm run thì có một anh liên lạc mang đến cho tôi cái cassette nhỏ, một băng cải lương của Sài Gòn có tựa là “Khi hoa anh đào nở” và “Lưu Bình- Dương Lễ”.

Đồng thời còn có mẫu giấy kèm theo với nội dung đại ý như sau: “Cháu có giọng hát từa tựa Ngọc Giàu, nên chú cho cháu mở nghe và học cách hát của họ.

Có lẽ tạm thời trong điều kiện cách mạng hiện nay chưa dùng đến loại hình này, nhưng về lâu dài thì không thể không có, vì đây là vốn quý của Nam Bộ mình. Chúc cháu mau tiến bộ! Chú Hai Văn.”

Tôi mừng quá, ngồi bật dậy, cảm thấy không còn cái lạnh của sốt rét nữa, tôi liền học cách mở băng và nghe.

Không hiểu lãnh đạo đoàn do nể chú như thế nào đó mà khi tôi lén nghe, mấy chú ở đoàn biết cũng không phê bình (vì lúc đó nếu ai nghe lén đài của Sài Gòn sẽ bị kiểm điểm và bị rớt “4 tốt”).

Nhờ chú cho mượn cái máy nên tôi có điều kiện được học từ nhịp cho đến cách hát và cả đội sân khấu lúc bấy giờ cũng xúm nhau mà học.

Tôi nhớ chú Xuân Hồng nói: “Ông cưng cháu lắm mới cho mượn cái máy đó nghen! Bây giờ phải cố gắng học tập cho ngon đó, mai mốt gặp lại phải hát báo cáo cho ổng nghe chưa.”

Thật tiếc, được một thời gian thì B52 dội bom gần cứ của đoàn hất văng đồ đạc tứ tung, cái máy cũng bể nát. Tôi gần như bỏ ăn, ngơ ngẩn mấy ngày liền. Vậy là chúng tôi không còn điều kiện gì để học hát cải lương của các anh chị đi trước.

Rồi được tin giặc chuẩn bị càn lớn, đơn vị dời cứ liên tục, kể từ đó tôi không còn tin tức hoặc gặp lại chú, nhưng trong lòng tôi luôn luôn nhớ ơn chú. Nhớ gương mặt chú thật là thông thái, sang trọng và phúc hậu như ông Phật vậy.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi được chuyển về Đoàn Văn công Quân khu 9, tôi có hỏi thăm và biết được chú vẫn còn sống và hiện đang ở Sài Gòn, tôi mừng lắm!

Ước nguyện trong lòng sẽ có một ngày lên thăm chú, nhưng công việc chồng chất công việc, tham gia phục vụ biên giới Tây Nam, lo học văn hóa, lo nuôi con cái và cũng tại vì nghèo nữa nên ngày qua ngày ước nguyện chưa thành.

Thế rồi vào một buổi chiều, tôi đang lui cui cho heo ăn, bỗng thấy có một chiếc xe du lịch đậu ngay trước cửa nhà tôi trong khu tập thể của đoàn.

Từ xa, tôi thấy một ông già trong xe bước ra, tôi vẫn nhận ra được vóc dáng của chú, nhưng lưng còng hơn, tóc bạc nhiều hơn, duy chỉ có đôi mắt vẫn sáng, phúc hậu như “ông tiên nghệ sĩ” là không thay đổi.

Tôi chạy tới ôm chầm chú thật chặt. Tôi quỳ xuống như người có lỗi, tôi nức nở khóc, khóc thật nhiều! Câu đầu tiên chú nói: “Tao tưởng bây chết rồi! Khỏe không con?”

Cho tôi xin hỏi, vậy chớ ông già có tên Hai Văn có phải ông là tiên không hay là ông Tổ của cải lương mà cứ mỗi lần hễ người ta không cho hát cải lương thì ông lại xuất hiện... giúp, gợi ý và rồi người ta cho hát.

Rồi như hôm nay cũng vậy, có một diễn viên muốn xa rời nghiệp tổ, định xin chuyển ngành khác để có lương kha khá nuôi con thì ông đến thăm và sưởi ấm kiếp tầm tơ, như bón thêm dâu cho tằm, để con tằm nhả những sợi tơ vàng hơn, óng mượt hơn và mãi cho đến bây giờ không hổ danh người chăm bón.

“Ông tiên nghệ sĩ” ơi! Báo cáo ông, nay con- Nguyễn Thị Trúc Linh- được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú rồi ông ạ! Con luôn ghi nhớ công ơn bác Hai Văn và “ông tiên nghệ sĩ” sẽ không bao giờ tắt trong lòng của con.

Xin kể tiếp câu chuyện thứ 2 về lòng vị tha của bác Hai Văn.

Hôm đó, Phó thủ trưởng cơ quan Hậu cần phục vụ các đồng chí lãnh đạo Trung ương cục Miền Nam đi vắng, đồng chí Hai Văn gọi điện thì có nhân viên bắt máy. Ở đầu dây bên kia, đồng chí Hai Văn hỏi:

“A lô! Ai đó, Hai Văn đây!” Cậu nhân viên trả lời: “Tao nè!” Ở đầu dây bên kia hỏi lại: “Cậu nào vậy?” Cậu nhân viên bên nọ trả lời: “Là thằng Tao nè!”

Anh Hai giận quá, dằn điện thoại xuống nghe một cái rầm. Lúc trở về, đồng chí Phó thủ trưởng cơ quan Hậu cần sang gặp anh Hai Văn, chuẩn bị tinh thần trình bày, xin lỗi, đồng thời sẵn sàng “giơ đầu hứng chịu búa rìu sấm sét”.

Báo cáo tình hình, xin ý kiến chỉ đạo… như thường lệ xong vẫn thấy thái độ của anh Hai bình thường, không có biểu hiện gì trên nét mặt làm đồng chí Phó Thủ trưởng ấy càng lo lắng hơn.

Đến lúc ra về, anh Hai bỗng hỏi: “Hồi sáng, cậu nào bên ông trả lời điện thoại tôi vậy?” “Thưa anh Hai, đó là cậu nhân viên tên là Tao thuộc bộ phận của tôi.

Nó còn nhỏ, dưới tỉnh mới lên, không biết anh gọi. Mong anh thông cảm, tôi về sẽ kỷ luật nó.” Nghe đến đây, anh Hai bỗng cười lớn và nói: “Tui hỏi ông vậy thôi, chứ tôi biết hết cả.

Tụi nó còn nhỏ, sớm thoát ly gia đình, chịu đựng gian khổ đi làm cách mạng là giỏi lắm rồi. Nó không biết mà kỷ luật cái gì.

Nhưng ông nhớ dặn dò anh em rút kinh nghiệm về cách ăn nói và ứng xử khi nói trên điện thoại. Ờ, mà ông nói với thằng Tao là tôi nhắn nó bữa nào qua đây gặp tôi chơi.”

Đồng chí Phó thủ trưởng ấy thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân và sau đó bày tỏ là thật sự kính trọng anh Hai, vì anh có tấm lòng rộng lượng, cởi mở, bao dung, vị tha, nâng đỡ cho cán bộ nhân viên của mình.

Đấy, bác Hai Văn là thế!

TRƯƠNG QUANG PHÚ