Cần giải pháp tổng thể để giảm nhẹ rủi ro do thiên tai

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 16/10/2018 (GMT+7)

Khu vực Mekong đang chìm, đất đang sụt lún 2,5 cm/năm. Năm 2030, Việt Nam có thể bị thiệt hại đến 5% GDP do thiên tai- thông tin đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp, trong khuôn khổ lễ mít tinh ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp- PTNT) tổ chức vừa qua tại TP Cần Thơ.

Người dân ở các xã cù lao (Long Hồ) chủ động đắp đất, be bờ bao để ứng phó triều cường.
Người dân ở các xã cù lao (Long Hồ) chủ động đắp đất, be bờ bao để ứng phó triều cường.

Khu vực Mekong đang chìm

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, khu vực Mekong đang chìm, đất đang sụt lún 2,5cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm.

Đây là sự báo động, mối đe dọa đối với khu vực và người dân vùng ĐBSCL khi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo đánh giá, hàng năm thiên tai đã gây thiệt hại lớn cho đất nước khi mất 1,5% GDP và làm trên 300 người chết và mất tích.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi.

Trong năm nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.000 tỷ đồng.

Đối với khu vực ĐBSCL năm nay, lũ về sớm và cao hơn so với các năm đã làm vỡ đê bao, bờ sông, bờ biển với 562 điểm, chiều dài sạt lở 786km.

Các tỉnh ở thượng nguồn đã chủ động nhiều phương án để đối phó với lũ nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, tình hình thiệt hại chủ yếu vỡ một số khu vực bờ bao bị yếu và thiệt hại diện tích lúa, một số diện tích về cây ăn trái và hoa màu, nhưng không có thiệt hại nào về người. Đây là nhờ sự chuẩn bị của chính quyền và sự chủ động, phối hợp của người dân.

Ông Laurent Umans- Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan, cho rằng trong 30, 50 hoặc 100 năm nữa, một phần của ĐBSCL sẽ bị chìm trong nước biển và đây là lý do khiến cho các doanh nghiệp quan ngại khi muốn đến đầu tư.

Trên cơ sở mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 nước, Hà Lan đã tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là ở ĐBSCL.

Năm 2030: Việt Nam có thể bị thiệt hại đến 5% GDP do thiên tai

Thiệt hại do thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và được dự báo có thể gây tổn thất về kinh tế lên đến 5% GDP vào năm 2030.

Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2018, bà Akiko Fujii- Phó trưởng Ban Giảm thiểu rủi ro tăng cường chống chịu thiên tai kiêm Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam- lưu ý Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất.

Tại hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp, các đại biểu cho rằng các bộ ngành Trung ương và các địa phương cần điều chỉnh chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai phù hợp từ Trung ương đến cấp xã; lồng ghép công tác phòng tránh vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, trong đó cần chú ý các giải pháp phi công trình. Bên cạnh, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực hiện các cam kết và cùng quản lý, khai thác bền vững các con sông liên quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Kể từ những năm 1970, tại Việt Nam, mỗi năm thiên tai đã làm trên 500 người chết và thiệt hại về kinh tế chiếm trên 1,5% GDP.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bà Akiko Fujii cho rằng thiệt hại do thiên tai của Việt Nam vào năm 2030 có thể lên đến 3- 5% GDP.

Dẫn báo cáo về đóng góp quốc gia tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh rằng thiệt hại do thiên tai vào năm 2030 có thể lên đến 3- 5% GDP cả nước.

Hiện nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nếu không được thiết kế khung chống chịu tốt với thiên tai, thì khả năng thiệt hại về kinh tế của Việt Nam sẽ còn tăng thêm.

Theo bà Akiko Fujii, dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về ứng phó với thiên tai, song vẫn còn nhiều việc phải làm để giảm thiệt hại về người và kinh tế.

Trong đó, cần phải lập kế hoạch thông tin về rủi ro ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều cơ quan. “Điều quan trọng là từng cá nhân, bộ, ngành của khối nhà nước và tư nhân đều phải có hành động cụ thể”- bà Akiko Fujii lưu ý.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, triều cường đầu tháng 9 âl ước tổng thiệt hại trên 5,5 tỷ đồng. Cụ thể, lúa Thu Đông bị ngập trên 841ha, đã thu hoạch 420ha, tập trung chủ yếu ở huyện Long Hồ;

ngập trên 1.555ha vườn cây ăn trái, trên 140ha rau màu; 191 tuyến bờ bao tràn, bể 49 tuyến, 60 đập tràn, 34 đập bể; trên 100km đường đan, 12km đường tỉnh, quốc lộ bị ngập. Triều cường đã gây ngập 4.452 căn nhà, 20 điểm trường học, 15 chợ, 160 chuồng chăn nuôi, 4,2ha ao nuôi cá, thiệt hại trên 46 tấn cá các loại.

Bài, ảnh: THÀNH LONG