Khởi nghiệp hiện đại trong cách làm truyền thống

Cập nhật, 12:46, Thứ Năm, 13/09/2018 (GMT+7)

Là một kỹ sư nông nghiệp có mức thu nhập khá được nhiều bạn trẻ mơ ước, nhưng chàng trai sinh năm 1992 Trương Thành Đạt lại bỏ việc để đến với những cọng rau sạch, khởi nghiệp riêng cho mình…

Hành trình mang tên “Ếch Ộp”

Trương Thành Đạt bên các nông sản của mình.
Trương Thành Đạt bên các nông sản của mình.

Tốt nghiệp ngành phát triển nông thôn (ĐH An Giang), Đạt có 2 năm tham gia nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao và rau an toàn.

Cũng chính trong giai đoạn này, Đạt say mê với nông nghiệp hữu cơ và bắt đầu tìm hiểu về cách trồng rau của các nước tiên tiến và đặc biệt là cách làm của người Nhật Bản. 

“Từ sự gợi ý của một người thầy, cũng chính là động lực để tôi có thể đóng góp một phần công sức cho ngành nông nghiệp trong nước, tôi đã từ bỏ công việc đang làm là cố vấn cho một trang trại ở Củ Chi để trở về An Giang hiện thực hóa ước mơ.

Những ngày đầu rất gian nan, nhất là trong giai đoạn kêu gọi đầu tư vốn, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm sao cho người dân trong nước có thể sử dụng được sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn…”- Đạt chia sẻ.

Đó là hành trình khó khăn mà Đạt phải trải qua ban đầu, để rồi, Đạt đã cùng một người bạn có chung niềm đam mê, thuê đất ở phường Mỹ Quý (TP Long Xuyên) để thành lập nông trại nhỏ mang tên “Ếch Ộp”.

Rút kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp không thành công trước đó, Đạt xác định trồng rau sạch theo hướng tự nhiên truyền thống, để cây sinh trưởng đúng mùa vụ.

Gặp Đạt trong những ngày chàng thanh niên này đi lang thang để tìm những trải nghiệm thú vị về các mô hình trồng rau sạch ở Vĩnh Long, chúng tôi mới cảm nhận được sự đam mê cháy bỏng về các loại rau an toàn của chàng cựu sinh viên ngành phát triển nông thôn.

Đạt chia sẻ, với kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại tiên tiến, Đạt cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, không dùng thuốc diệt cỏ. Đặc biệt là không sử dụng giống đã biến đổi gien.

Sau hơn 1 năm sản xuất, nông trại của Đạt hiện có 32 loại rau củ. Đây là công sức mà theo Đạt, không chỉ của riêng mình mà còn là của tập thể, của những thanh niên “thế hệ 9X” có cùng đam mê…

Quản trị hiện đại trên mảnh vườn truyền thống

Hiện tại, Ếch Ộp của Đạt đang dần tạo niềm tin với khách hàng từ những tư vấn và trải nghiệm trực tiếp từ khách hàng.

Có đầy đủ giấy chứng nhận là rau an toàn từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là đã có chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc nông sản.

Tuy nhiên, khi hỏi Đạt lấy gì để tạo niềm tin cho khách, Đạt chia sẻ: “Đó là sự cam kết với các tiêu chuẩn của Ếch Ộp”.

Theo Đạt, tuy có tất cả các giấy chứng nhận nhưng mình chưa từng sử dụng đến mà để cọng rau của mình đến với khách hàng chính là sự cam kết của niềm tin.

Đạt nói, tiêu chuẩn mà Ếch Ộp đưa ra, ngoài phù hợp với tiêu chuẩn của nhà quản lý thì còn áp dụng các tiêu chuẩn khác tiên tiến hơn.

Đạt cho hay, nếu có một khách hàng không tin tưởng hoặc đặt vấn đề về chất lượng thì sẽ được nhân viên bán hàng (đã qua tập huấn) giải thích rõ cho khách hiểu như thế nào là tiêu chuẩn của Ếch Ộp.

Đạt giải thích: Nếu có khách hàng thắc mắc thì được giải thích là rau được trồng theo hướng tự nhiên và tuân thủ nguyên tắc kết hợp giữa phân hữu cơ và vô cơ, vì nếu trồng rau hữu cơ thì mức giá rất cao.

Từ khâu cải tạo đất, người trồng ưu tiên bảo vệ và xây dựng hệ vi sinh bản địa để đất khỏe, hạn chế các mầm bệnh tấn công cây trồng. Nguồn nước được xử lý rất kỹ qua hệ thống cây thủy sinh có đặc tính lọc nước tạo nguồn tưới sạch.

Một góc vườn rau của Đạt (ảnh lớn). Nhân viên của nông trại bắt sâu theo kiểu truyền thống (ảnh nhỏ).
Một góc vườn rau của Đạt (ảnh lớn). Nhân viên của nông trại bắt sâu theo kiểu truyền thống (ảnh nhỏ).

Còn giống rau được chọn từ công ty uy tín. Phân bón chủ yếu từ phân hữu cơ chỉ kết hợp một lượng vừa đủ phân hóa học để đất có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết…

Cùng với đó là hàng loạt các kỹ thuật bẩy sinh học diệt côn trùng gây hại, ưu tiên phát triển thiên địch,… để cuối cùng tạo ra sản phẩm an toàn. Nếu khách hàng vẫn chưa tin, Ếch Ộp sẵn sàng chào đón đến tham quan vườn.

Trò chuyện với Đạt, có thể nhận thấy rằng chàng thanh niên này có bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, chịu đương đầu với cái khó, đặc biệt là đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.

Câu chuyện mang cọng rau an toàn đến với người tiêu dùng của Đạt chính là thành công lớn nhất, khi sản phẩm của mình đến được trực tiếp và hạn chế tối đa mức trung gian.

Đạt cho hay, hiện tại, Ếch Ộp có 3 điểm đưa sản phẩm ra thị trường. Các điểm này phải thật sự là “có tâm với chính cọng rau sạch của mình”.

Đạt chia sẻ, có 2 điểm là nhân viên của mình trực tiếp bán, có tập huấn kỹ năng, trau dồi kiến thức về quy trình sản xuất của vườn. Còn 1 điểm là hộ tiểu thương, nhưng “hộ này rất có tâm, có tầm để cùng đưa cọng rau sạch ra cho người sử dụng”.

Đạt giải thích, đã có nhiều mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch “bị bức tử” khi qua những đầu mối trung gian, bởi như thế rất khó kiểm soát được đầu ra cũng như sản phẩm “chính hiệu”. 

“Từ những bài học, những kinh nghiệm đúc kết, tôi cảm nhận rằng nông nghiệp sạch không phải chỉ mình mình trụ vững mà còn là sự chung tay của người tiêu dùng, những tiểu thương,…

Hiện tại, đây mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án, nên những thất bại, thành công đang có cũng chính là bài học cho tôi trong thời gian tới”- Đạt bộc bạch.

Vốn xuất thân từ sinh viên ngành phát triển nông thôn, Trương Thành Đạt đã mang trong mình hơi thở của nông nghiệp. Đạt chia sẻ, hiện tại, Ếch Ộp vẫn ưu tiên để các bạn học ngành nông nghiệp của ĐH An Giang đến làm việc, thực tập và trải nghiệm, đây cũng là cách để chàng thanh niên này gắn bó với quê hương. “Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao cho khi truyền đạt những thông điệp về một nền nông nghiệp sạch, chỉ cần một trong số 100 sinh viên say mê và quyết tâm gắn bó thì đã là thành công…”- Đạt tâm sự.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- KHÁNH DUY