Kết nối phố

Giữa thị thành, một thoáng chân quê

Cập nhật, 13:27, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

Dì Chín hay chia “mảng xanh” cho hàng xóm mỗi người một ít. “Mảng xanh” hái ở sau vườn: mớ đọt mướp non, mấy trái cà tươi, đậu bắp xanh, nải chuối chín cây hay cây mía vừa mới đốn…

Thường thì vừa bưng sang nhà hàng xóm, dì vừa “quảng cáo”: Rau trái sạch nhe, tưới bằng nước máy, không phân thuốc... Có khi còn nhiệt tình: “Loại rau trái này phải chế biến món này thì mới ngon”.

Cũng dì Chín, đám giỗ bên nhà thì hàng xóm khỏi lo nấu nướng, bởi không chỉ mời dự, dì còn gửi thức ăn về cho con cháu…

Cũng kế bên, dì Sáu ở một mình, tuổi đã cao nhưng hễ quét sân thì sạch luôn sân nhà bên cạnh. Hàng xóm có việc cần, có khi chưa kịp mở lời, dì đã đến ngay.

Khi ngủ lại giữ nhà, lúc tận tình phụ chăm trẻ nhỏ… Ở cách mấy căn, chú Hai hay lui tới ngó nghiêng khi hàng xóm vắng nhà, dù đóng cửa.

Chị Hương thì rất sẵn lòng rước con nhỏ đi học về khi hàng xóm bận. Không chỉ hỗ trợ, quan tâm, chia sẻ nhau khi có chuyện vui buồn, hàng xóm còn nhắc nhở, khuyên bảo nhau cách cư xử, tánh ăn nết ở…

Thật ra, làng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” kiểu này không lạ. Đó chính là những nét chân quê- đã xuất hiện ở làng quê từ xa xưa. Tuy nhiên, giữa phố thị vốn xô bồ và ngỡ là kín cửa thì việc giữ nét quê không dễ dàng, nên càng đáng quý.

Một nét đẹp, một thoáng chân quê làm ấm lòng người đô thị. Bởi suy cho cùng, thì người đô thị- lớp trẻ hay tuổi già cũng bắt nguồn từ làng quê yêu dấu!

NAM ANH