Quy định xử lý tài sản không giải thích được nguồn gốc- cần sự thận trọng

Cập nhật, 19:45, Thứ Tư, 13/06/2018 (GMT+7)

 

 Điều nhân dân mong muốn ở dự án luật này, ngoài việc phòng ngừa tham nhũng thì phải xử lý và thu hồi được tài sản tham nhũng.
Điều nhân dân mong muốn ở dự án luật này, ngoài việc phòng ngừa tham nhũng thì phải xử lý và thu hồi được tài sản tham nhũng.

Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là dự án luật được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm nên Quốc hội dành 1 ngày để thảo luận dù dự kiến dự án luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Trong số các nội dung được bàn thảo nhiều nhất của dự án này, vấn đền xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59 dự thảo luật) được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp.

* Sự cần thiết ban hành điều luật này

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, theo 2 phương án.

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng (PCTN).

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

Về sự cần thiết phải xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, theo giải trình của UBTP, đối với tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý.

Riêng đối với tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định để xử lý, trong đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng người có nghĩa vụ kê khai cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp và Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, UBTP cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, UBTP cho rằng, hiện nay nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

Đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu PCTN, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.

* Nên có sự thận trọng  

Có rất nhiều ý kiến đóng góp cho điều luật này trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 13/6.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- đơn vị tỉnh Quảng Bình, luật chỉ điều chỉnh theo hướng thu hồi tài sản khi thu nhập tăng thêm liên quan đến trách nhiệm hình sự nhưng không giải trình được nguồn gốc mà các cơ quan tố tụng hình sự có liên quan chứng minh được tài sản kê khai không trung thực có nguồn gốc từ hành vi phạm tội mà có.

Trường hợp kê khai không đúng bị phát hiện thì kỷ luật, cách chức, nếu đương chức còn lại thì không quy hoạch, không đề bạt, không bổ nhiệm hoặc không cơ cấu vào cơ quan dân cử.

Đại biểu Phạm Hồng Phong- đơn vị tỉnh Hậu Giang cho rằng, hai phương án Ban soạn thảo xây dựng theo hướng là cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh tài sản của người kê khai là không trung thực, hoặc thu nhập chênh lệch tăng thêm là không hợp pháp, và nếu không chứng minh được thì mới thu thuế thu nhập là 45% là không hợp lý.

Đại biểu đề nghị cần quy định nghĩa vụ chính là của người kê khai, còn nếu không kê khai, kê khai không hợp lý, không hợp pháp thì phải sung vào công quỹ.

Theo một số đại biểu, dự thảo luật quy định về trình tự, thủ tục xác minh kết luận về tài sản, thu nhập của người kê khai còn rất đơn giản và chưa chặt chẽ.

Bởi lẽ, không chỉ với quy trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập của người kê khai thuộc diện kiểm soát của mình quyết định thành lập tổ xác minh, trên cơ sở báo cáo của tổ xác minh, người ra quyết định xác minh kết luận và là cơ sở để xử lý vi phạm.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng- đơn vị tỉnh Thái Nguyên đề nghị việc xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý theo hướng là thông qua quy trình, trình tự, thủ tục tố tụng riêng và phải được xem xét công khai, tranh tụng tại tòa với sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát.

Tòa án sẽ có trách nhiệm xem xét quyết định và thực hiện phán quyết bằng quyết định nhân danh nhà nước chứ không thể bằng hình thức thu thuế hay xử phạt hành chính như dự thảo luật đã quy định.

Theo nhiều đại biểu, suy cho cùng, điều nhân dân mong muốn ở dự án luật này, ngoài việc phòng ngừa tham nhũng thì phải xử lý và thu hồi được tài sản tham nhũng. Và những quy định theo hướng minh bạch, công khai trong xử lý tài sản sẽ nâng cao tính răn đe và tính phòng ngừa tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.

Làm cho các đối tượng không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không có điều kiện tham nhũng là vần đề mà nhân dân quan tâm nhất ở dự án luật này.  

Bài, ảnh: TÂM HUỲNH