Đồng bằng chủ động "sống chung" hạn- mặn

Kỳ cuối: "Thuận thiên" để phát triển bền vững ĐBSCL

Cập nhật, 05:30, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, nghị quyết này “rất sáng giá” để phát triển bền vững ĐBSCL trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan, được dự báo sẽ còn tiếp diễn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần trả lũ cho đồng bằng để lấy phù sa và nhiều sinh vật có lợi khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần trả lũ cho đồng bằng để lấy phù sa và nhiều sinh vật có lợi khác.

Nghịch lý sản xuất lúa gạo

Theo nghị quyết này, có 2 vấn đề đáng quan tâm, là phát triển đồng bằng thuận theo tự nhiên và không can thiệp thô bạo vào nó.

“Quy chiếu” từ nghị quyết này để thấy, thời gian qua có một vấn đề gắn chặt sản xuất và sinh kế người dân đang bị bàn tay con người can thiệp thô bạo- đó là đắp đê ngăn lũ để thâm canh tăng vụ.

Hệ lụy nhãn tiền, mà theo các chuyên gia là hạn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và những “dòng sông chết” do ô nhiễm phân, thuốc bảo vệ thực vật.

Mùa khô năm 2016, hạn mặn lịch sử là bài học để nhìn nhận lại câu chuyện bố trí quy hoạch trong phát triển kinh tế- xã hội thời gian vừa qua.

Ths Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL- chỉ ra hiện tượng xâm nhập mặn mùa khô 2015- 2016 là “không bất thường” mà theo quy luật.

“Hạn- mặn xảy ra có quá trình diễn biến trong một giai đoạn. ĐBSCL là một phần của lưu vực sông Mekong và giáp biển, cho nên bất cứ khi nào dòng Mekong yếu đi thì nước biển lấn sâu vào.

Trong năm cực đoan, biển lấn vào càng nhiều hơn. Và điều này hoàn toàn có thể dự báo trước bởi các nhà chuyên môn”.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của biến đổi khí hậu là từ hàng chục ngàn kilomet đê bao ở ĐBSCL thời gian qua, tạo thành những ô bàn cờ dày đặc khắp nơi để bảo vệ vườn cây ăn trái hạ nguồn cũng như tăng vụ lúa ở thượng nguồn.

Ths Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, xuất phát từ tư duy tăng gia sản xuất sau chiến tranh để ổn định an ninh lương thực, sau đó chuyển qua giai đoạn làm kinh tế vẫn mang tư duy đó.

Từ đó có những công trình kiểm soát nước phục vụ sản xuất lúa thâm canh. Vùng ngập sâu đầu nguồn lẽ ra lũ vào đó tăng phù sa cho đất thì chúng ta khoanh ô đê bao.

Nước không vào được sẽ xuống các tỉnh và dần dần chỗ nào cũng đê bao. “Lợi ích đê bao là môi trường khô ráo cho sản xuất và sinh hoạt, tăng được năng suất tăng được thu nhập, song sau thời gian- mà cụ thể hiện nay chúng ta nhận ra hệ lụy là những công trình đê bao rất đắt tiền, dòng sông và đồng ruộng không liên lạc với nhau được.

Trong ruộng chúng ta thâm canh, bón rất nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên tích tụ độc chất bên trong. Nước vào đã khó, ra cũng khó, không phân hủy được chất độc hữu cơ và vô cơ đã ô nhiễm”- Ths Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra hệ lụy, đồng thời cũng cho rằng ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập…

Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau, nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán. Quá nhiều quy hoạch nên chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu liên kết, cản trở sự phát triển.

Ths Nguyễn Hữu Thiện cho biết đã làm khảo sát một gia đình ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), ngày xưa 5 người làm 1ha lúa 2 vụ sống được nhưng hiện làm 3 vụ nhưng không sống nổi.

Vì trước đây nước, cá, rau không phải mua. Giờ môi trường ô nhiễm, cá mắm không còn nhiều, phải mua hết.

“Trên báo đài nói đồng bằng sản xuất 25 triệu tấn lúa mỗi năm nhưng không ai nói chi phí sản xuất gần đuổi kịp. Hồi xưa chi phí thấp, lợi nhuận cao, giờ lên 3 vụ chi phí sản xuất đuổi gần sát lợi nhuận.

Bình quân 1 năm lợi nhuận trồng lúa 37,5 triệu đồng, chia cho 5 người rồi chia cho 12 tháng, kết quả chỉ trên chuẩn nghèo chút xíu, sao thoát nghèo được?”- Ths Nguyễn Hữu Thiện nêu bất cập của làm lúa 3 vụ.

Coi nước mặn là tài sản!

ĐBSCL xưa nay được xác định là vùng đất “thiên thời địa lợi”. Nước ngọt chiếm phần rất quan trọng nuôi sống con người, những vườn cây, cánh đồng lúa bạt ngàn.

Thách thức ĐBSCL hôm nay không chỉ là câu chuyện nước ngọt, mà phải bàn đến phù sa. Việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia thượng nguồn gây suy giảm nghiêm trọng dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, hệ sinh thái thủy sinh đến đồng bằng.

Dần gỡ bỏ “ngôi vua” của cây lúa, chuyển từ cải tạo, đối phó với thiên nhiên sang thích ứng... là những tư duy đột phá tại Nghị quyết 120/NQ-CP.

Điều này còn được cụ thể hóa qua khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang của Thủ tướng Chính phủ- Nguyễn Xuân Phúc trong tháng 9/2017 vừa qua.

Thủ tướng đã chỉ ra những thực tiễn đang đặt ra cùng những thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, trong đó có việc người dân đã tự tổ chức lại sản xuất.

Dù phải đối mặt không ít thách thức nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này.

Thủ tướng nói: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn, cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam”.

GS.TS Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng từng kêu gọi “đừng coi thiên tai, hạn- mặn hiện nay là kẻ thù mà hãy coi nó, đối xử với nó như một người bạn”.

Đồng thời khuyến cáo ĐBSCL nên chọn các giải pháp đầu tư “ít hối tiếc”, linh hoạt trong cơ cấu quản lý tài nguyên nước và các đặc trưng thủy văn.

Lũ cần được đưa trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác tất cả lợi ích từ lũ như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất; lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm; giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Ths Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nếu nghị quyết được triển khai tốt sẽ tạo hiệu ứng rất tốt cho đồng bằng. Đổi trật tự sản xuất thủy sản, cây ăn trái, rồi tới lúa sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Làm ít nhưng có giá trị sẽ nâng cao thu nhập. Khi không còn thâm canh lúa thì công trình không còn quá cần thiết sẽ phục hồi được dòng chảy, phục hồi sự giao lưu sinh thái giữa sông ngòi.

Và nhất là giảm được việc khai thác nguồn nước ngầm, cứu đồng bằng khỏi phải chìm như dự báo tương lai.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THANH LIÊM- THẢO LY