Đồng bằng chủ động "sống chung" hạn- mặn

Cập nhật, 04:39, Thứ Năm, 03/05/2018 (GMT+7)

Hạn- mặn vào mùa khô trong 2 năm qua đã hạ nhiệt, không còn gay gắt như năm 2016. Tuy nhiên, chính quyền và người dân tại nhiều địa phương vẫn không chủ quan hay lơ là.

Tìm về những vùng nước mặn “lên xuống theo quy luật” hay những nơi “mặn chưa từng xảy ra”, có thể cảm nhận được rõ ràng điều này từ những công trình được đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa.

Với tinh thần “coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên”, hiện tại nhiều địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất thích nghi, phù hợp và giàu lên nhanh chóng.

Kỳ 1: Hạn- mặn không còn gay gắt

PGS. TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) thông tin: Mùa khô năm nay, tại ĐBSCL sẽ ít căng thẳng nguồn nước so với 2 năm trước nhưng vẫn có xâm nhập mặn và thiếu nước vào các tháng cao điểm (tháng 4).

Người dân không nên chủ quan, nên tiếp tục trữ nước, tiết kiệm nước và giảm diện tích canh tác lúa vào mùa khô.

Bàn giao hệ thống quan trắc và đo mặn tự động tại huyện Vũng Liêm.
Bàn giao hệ thống quan trắc và đo mặn tự động tại huyện Vũng Liêm.

Lúa, trái cây xanh tốt trong vùng mặn

Con đường từ TX Vị Thanh về huyện Long Mỹ (Hậu Giang) những ngày đầu tháng 4 nắng đổ lửa, mà theo cảm tính của nhiều người “mặn sẽ lên nhanh”. Tuy nhiên, tình hình khác xa thời điểm cách đây 2 năm, hiện “mặn vẫn bình bình”.

Mùa khô 2016, mặn không còn theo quy luật đã lấn tới TX Ngã Bảy theo cả 2 hướng biển Tây và biển Đông, độ mặn bất thường cao nhất là 2,6‰.

Tại xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A- nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp mặn từ biển Tây, hàng trăm hecta lúa bị tràn mặn, cây trái, lúa chuẩn bị thu hoạch thất thu nặng nề. Mùa khô năm nay, tình hình đã bớt căng thẳng…

Ông Võ Văn Hai- Trưởng Trạm Thủy lợi huyện Long Mỹ- cho biết, trong hơn 1 tháng qua, ngày nào trạm cũng cử cán bộ đo mặn. “Thường cứ 2 ngày chúng tôi đo quan trắc 1 lần nhưng hiện nay do nắng nóng, dự báo mặn lên nhanh nên gần như ngày nào cũng phải đo”.

Tuy nhiên, nếu năm 2016 có thời điểm mặn lên 10- 11‰, thì năm nay thời điểm cao nhất cũng chỉ 6,2‰, mức an toàn.

Chỉ lên bản đồ hạn mặn, ông cho biết sau năm hạn mặn lịch sử đó, chính quyền đầu tư hơn 30 công trình đê bao, cống hở, vì thế mà năm nay “mặn chưa vào sâu được đã bị đẩy ra”.

Trong khi tại Trà Vinh, “độ mặn năm nay không gay gắt như những năm trước, người dân cũng không còn lơ là trong công tác chống mặn”- là nhận định của bà Võ Thị Hương- Trưởng Phòng Quản lý Công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn (Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh- Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh).

Bà cho biết thêm: Năm nay có nhiều thuận lợi nên mặn không còn gay gắt nữa.

Mặc dù mặn năm nay không gay gắt nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sản xuất, dân sinh. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật đo mặn tại khu vực cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm).
Mặc dù mặn năm nay không gay gắt nhưng vẫn được kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo sản xuất, dân sinh. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật đo mặn tại khu vực cống Nàng Âm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm).

Cụ thể, nước thượng nguồn nhiều. Mà nước mặn vào được sâu hay không chủ yếu do nước từ thượng nguồn, thêm vào đó, hệ thống cống chặt chẽ hơn, mặn lên tới đâu đóng cống tới đó. Trà Vinh thuận tiện hơn là nhờ có hệ thống cống thủy lợi Nam Mang Thít.

Ở các cống ngăn mặn sẽ cho canh độ mặn dưới 1‰ thì mở cửa để người dân sinh hoạt, sản xuất. Còn vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhờ thời tiết khá thuận lợi nên đã thu hoạch gần hết.

Là đơn vị trực tiếp xuyên suốt theo dõi độ mặn tại các cống để thông báo cho cơ quan chức năng lẫn người dân, nhiều tháng nay Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh đang tích cực theo dõi, cập nhập thông tin độ mặn ở các cửa cống.

Ông Lê Minh Nhựt- cán bộ kỹ thuật của Công ty cho biết, toàn tỉnh có 5 trạm đo độ mặn tự động và 15 trạm thủ công.

Các trạm sẽ tiến hành đo và 10 phút/lần tự cập nhật kết quả và sẽ thông báo đến ngành chức năng để có phương án đóng- mở cống thích hợp.

Còn tại Vĩnh Long, theo Đài Khí tượng- Thủy văn, độ mặn có thể đạt mức 5‰ dự báo tại Vũng Liêm (vàm Vũng Liêm- sông Cổ Chiên), cống Nàng Âm (rạch Nàng Âm) và Tích Thiện (vàm Rạch Chiếc, sông Hậu).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Văn Trạng, khi mặn về có 2 luồng nước chảy cuộn, nước đục chứ không được trong, nước chảy có luồng.

“Sáng nào tôi cũng kiểm tra độ mặn trước khi đi làm. Từ đầu năm đến nay, độ mặn tại Trà Ôn chưa qua ngưỡng 1‰.

Mặc dù thời gian qua công tác đo mặn đã được thực hiện thường xuyên và hiệu quả, tuy nhiên việc làm này vẫn còn thủ công”- ông Nguyễn Văn Trạng cũng cho rằng- cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tự động tại những địa bàn xung yếu để kiểm soát nước mặn được chủ động và hiệu quả hơn nữa.

Vẫn chủ động phòng tránh

Theo các chuyên gia, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay được dự báo thấp hơn đợt mặn lịch sử mùa khô 2015- 2016 nhưng sẽ cao hơn năm 2017. Vì thế, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tập trung ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.

Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực nắm bắt tình hình để có kế hoạch dự báo, cảnh báo về tình hình xâm nhập mặn; kiểm soát mặn từ biển Đông và biển Tây.

Đồng thời, tập trung triển khai đắp 109 đập thời vụ, nâng cấp, sửa chữa 7 cống ngăn mặn, thực hiện 15 công trình nạo vét kinh cấp 2 và cấp 3 ở vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo ông Nguyễn Văn Trạng, nếu mặn xâm nhập như năm 2016 thì đảm bảo không xảy ra thiệt hại như vừa qua, bởi huyện đã cấp 14 máy đo mặn cho các xã. Các nhà máy nước nằm ven sông Hậu cũng đều trang bị máy đo mặn để thông báo kịp thời đến người dân.

Để ứng phó với hạn- mặn, đến nay huyện được đầu tư nhiều mô hình. Tính riêng tại xã Tích Thiện, bên cạnh Nhà máy nước Tích Thiện, xã còn được đầu tư trang bị hệ thống khai thác sử dụng nước ngầm công suất lớn sẵn sàng kết nối với nhà máy nước khi có hạn, mặn xảy ra.

Bên cạnh đó, huyện còn được trang bị hệ thống máy bơm tát công suất lớn, thủy lợi nội đồng vùng ven sông Hậu, vùng sâu.

Một số xã của huyện có đến 2 hệ thống đê bao: một đê bao ngoài sông và một đê bao trong kết nối với hệ thống thủy lợi, đảm bảo trữ ngọt, ngăn mặn, kiểm soát lũ, triều cường.

Ông Đặng Văn Vũ- Chủ tịch UBND xã Quới Thiện (Vũng Liêm)- cho hay, hiện toàn xã có 1.100ha cây ăn trái. Từ đầu năm, đã xây dựng kế hoạch bảo vệ, mỗi cống đập đều có 2 nắp cống để đảm bảo ngăn mặn và trữ ngọt phục vụ tưới tiêu khi có hạn mặn xảy ra trên địa bàn.

Vừa qua, xã được Viện Công nghệ nano (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ 2 hệ thống quan trắc, đo mặn tự động được lắp đặt tại vàm của ấp Phước Thạnh và hệ thống còn lại được đặt tại cống thuộc khu vực giáp ranh giữa ấp Phước Thạnh và ấp Phước Lý Nhất.

Với 2 hệ thống này thì khi nước mặn xâm nhập, Quới Thiện có thể phát hiện sớm từ ngoài vàm Phước Thạnh, khi nước mặn ngoài vàm rút thì trong ngọn vẫn có thể kiểm tra được qua hệ thống thứ hai, góp phần kiểm soát độ mặn để người dân tưới tiêu đảm bảo an toàn.

Mùa khô năm 2018, Vĩnh Long cần đảm bảo nước tưới cho 53.000ha lúa Hè Thu, 18.580ha rau màu và 54.391ha cây lâu năm. Riêng vụ Hè Thu, dự báo có khoảng 22.500ha lúa, màu và ao hầm thủy sản bị ảnh hưởng.

Nhằm chủ động ứng phó, toàn tỉnh dự kiến đầu tư trên 176 tỷ đồng để thực hiện 90 công trình thủy lợi (nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng và tu sửa cống, nâng cấp hệ thống đê bao đề phòng mặn xâm nhập) với diện tích phục vụ 15.710ha, 16 công trình cấp nước sạch nông thôn, phục vụ 5.423 hộ dân. Hỗ trợ bơm tát cho khoảng 8.584ha đất nông nghiệp với kinh phí ước trên 8,5 tỷ đồng.

Kỳ 2: Chủ động đón mặn!

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THANH LIÊM- THẢO LY