Dấu ấn phát triển đô thị qua các thời kỳ

Cập nhật, 14:11, Thứ Tư, 16/05/2018 (GMT+7)

Có thể nói, quá trình phát triển hệ thống đô thị (ĐT) của tỉnh gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành xây dựng tỉnh. Cho nên, nhìn lại chặng đường phát triển của ngành xây dựng là dịp để hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của hệ thống ĐT.

Hệ thống đô thị trong tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành xây dựng tỉnh. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long.
Hệ thống đô thị trong tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành xây dựng tỉnh. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long.

Ngành xây dựng Cửu Long (nay là ngành xây dựng Vĩnh Long) được thành lập và phát triển đến nay đã 42 năm. Theo ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, những năm đầu sau thống nhất đất nước, hệ thống ĐT của tỉnh chưa được định hướng phát triển rõ nét.

Lúc này, ngành xây dựng Cửu Long đã tập trung duy trì và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp thiết như cung cấp nước sạch cho TX Vĩnh Long.

Tháng 12/1991, tỉnh Cửu Long được phân chia thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh sau 15 năm hợp nhất. Sở Xây dựng Cửu Long được đổi tên thành Sở Xây dựng Vĩnh Long cho đến ngày hôm nay.

Giai đoạn 1991- 1996, TX Vĩnh Long đã được lập và phê duyệt quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng ĐT tỉnh lỵ được quan tâm. Bộ mặt ĐT được quan tâm, sạch đẹp hơn. Nhà ở, nước sạch và các dịch vụ ở các ĐT bước đầu được cải thiện, nâng cấp.

Giai đoạn 1996- 2000, công tác quy hoạch xây dựng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp; ngành xây dựng Vĩnh Long phối hợp các ban ngành tỉnh và địa phương đã hoàn thành việc lập và trình phê duyệt các quy hoạch trọng điểm của tỉnh.

Theo đó, có 4/7 thị xã, thị trấn được phê duyệt quy hoạch chung (đạt 57%) và 10 thị tứ, trung tâm xã được phê duyệt.

Bên cạnh, đầu tư phát triển cơ sở vật chất với các dự án: nâng công suất Nhà máy nước Hưng Đạo Vương; Nhà máy nước Vĩnh Long; hệ thống cấp nước thị trấn Vũng Liêm; hệ thống cấp nước thị trấn Cái Vồn; xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở Khóm 2 (Phường 9- TX Vĩnh Long) quy mô 2,4ha…

Giai đoạn 2000- 2005, 7/7 ĐT trong tỉnh lập quy hoạch chung, được phê duyệt 5/7 ĐT. Hoàn thành việc lập và trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống ĐT và dân cư nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

Triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung TX Vĩnh Long; lập Dự án quy hoạch chung thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh). Đồng thời, đầu tư xây dựng 43 cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ.

Chợ Cái Vồn- một góc nhộn nhịp giao thương của đô thị Bình Minh.
Chợ Cái Vồn- một góc nhộn nhịp giao thương của đô thị Bình Minh.

Giai đoạn 2005- 2010, ngành xây dựng phối hợp các ban ngành tỉnh và địa phương thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển TX Vĩnh Long thành thành phố thuộc tỉnh và thị trấn Cái Vồn thành thị xã vào năm 2010.

Thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết các Phường 1, 2, 3, 5, 8, 9 của TX Vĩnh Long; lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án chỉnh trang diện mạo ĐT của TX Vĩnh Long.

Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 7 ĐT, gồm: 1 ĐT loại III; 1 ĐT loại IV, 5 ĐT loại V. Bên cạnh, hoàn thành Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 1, giải quyết cơ bản chỗ ở cho 30.000 dân.

Các chủ đầu tư hoàn thành các dự án quan trọng về nhà ở và thương mại như: chung cư 4 tầng đường Phạm Thái Bường; Trung tâm Thương mại dịch vụ B (Phường 1- TP Vĩnh Long), Khu nhà phố- thương mại cao cấp An Bình, Khu nhà ở cao cấp Tân Thành; chung cư nhà ở xã hội trong Cụm vượt lũ Phường 8; Khu tập thể Cục Thuế; chung cư nhà ở xã hội Khóm 5 (Phường 8- TP Vĩnh Long)...

Giai đoạn 2010- 2017, ngành xây dựng Vĩnh Long đã đạt được các kết quả quan trọng. Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chủ yếu của ngành duy trì tăng trưởng hàng năm, đóng góp quan trọng vào những chuyển biến tích cực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Bên cạnh, công tác quản lý, phát triển ĐT có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ĐT đã được đầu tư tập trung hơn; từng bước đảm bảo phát triển ĐT hài hòa, bền vững.

Chất lượng phục vụ của hạ tầng kỹ thuật ĐT được cải thiện rõ rệt. Mặt khác, diện tích bình quân nhà ở khoảng 23,1 m2 sàn/người (tăng 1,9 m2 sàn/người so năm 2010). Trong đó, khu vực ĐT là 19 m2 sàn/người.

Chất lượng nhà ở được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần thay thế các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều khu dân cư mới, tuyến phố mới được hình thành, góp phần vào việc chỉnh trang bộ mặt ĐT...

Một góc đô thị mới Song Phú (Tam Bình) khang trang.
Một góc đô thị mới Song Phú (Tam Bình) khang trang.

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đánh giá: các kết quả đạt được của tỉnh, có đóng góp đáng kể của ngành xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển ĐT, nhà ở.

Thời gian tới, ngành cần chú trọng phát triển ĐT theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ĐT trong tỉnh với khu vực lân cận

Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng

Phát triển ĐT là một trong những định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới. Theo đó, hỗ trợ các địa phương phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đưa thị trấn Vũng Liêm, thị trấn Trà Ôn lên ĐT loại IV; TX Bình Minh lên ĐT đạt ĐT loại III và TP Vĩnh Long lên ĐT loại II vào năm 2020; hỗ trợ huyện Bình Tân lập điều chỉnh và mở rộng quy hoạch chung, lập đề án phân loại ĐT Tân Quới.

 

 

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN