"Cầu nối" gắn kết doanh nghiệp và công nhân lao động

Cập nhật, 14:42, Thứ Ba, 08/05/2018 (GMT+7)

Chủ tịch công đoàn là “thủ lĩnh” của công nhân lao động (CNLĐ) và tổ chức công đoàn chính là “cầu nối” giữa doanh nghiệp (DN) và CNLĐ. Ở thời đại nào cũng vậy, rất cần những “thủ lĩnh” có kỹ năng làm “cầu nối”gắn kết, giúp CNLĐ an tâm về đời sống, việc làm, thu nhập ổn định và thúc đẩy DN ngày càng phát triển.

Kỳ 1: Cần những “thủ lĩnh” giải quyết tranh chấp lao động

Khi DN và CNLĐ chưa tìm được “tiếng nói chung” và khi tổ chức công đoàn chưa thực sự vững mạnh thì các vụ lãn công, ngừng việc tập thể đòi quyền lợi là khó tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, rất cần những “thủ lĩnh” có đủ bản lĩnh, tài năng, tạo được sự hài hòa lợi ích của cả đôi bên nhằm giúp CNLĐ an tâm làm việc, góp sức cho phát triển của DN.  

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (đứng bìa trái) và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường (đứng hàng trên, thứ 2, bên trái) thăm tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Tỷ Xuân.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (đứng bìa trái) và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường (đứng hàng trên, thứ 2, bên trái) thăm tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Tỷ Xuân.

Công nhân ngừng việc tập thể do đâu?

Các vụ lãn công, ngừng việc tập thể trong tỉnh từng tạo sự chú ý trong dư luận phải kể đến 2 vụ ngừng việc tập thể cách nay hơn 10 năm với số lượng lên tới 5.000 và 6.000 CNLĐ tại một DN chuyên gia công xuất khẩu giày, có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Nguyên nhân là do quá bức xúc với chế độ trả lương, tiêu chuẩn xếp loại bình bầu hàng tháng và phải thường xuyên tăng ca ngày, ca đêm.

Đáng chú ý trong thời gian gần đây, tại một công ty chuyên sản xuất túi xách có 100% vốn Hàn Quốc (Phường 5- TP Vĩnh Long) đã xảy ra 5 cuộc ngừng việc tập thể đòi tăng lương, tăng tiền trợ cấp xăng xe, tiền chuyên cần.

Nhiều CNLĐ cho rằng việc tăng ca quá nhiều khiến họ kiệt sức trong khi chế độ nghỉ phép tại công ty chưa hợp lý…

Mong mỏi lớn nhất của CNLĐ là có điều kiện làm việc tốt, thu nhập và chính sách phúc lợi đảm bảo.
Mong mỏi lớn nhất của CNLĐ là có điều kiện làm việc tốt, thu nhập và chính sách phúc lợi đảm bảo.

Ngoài ra, còn có trên 10% nhân lực ở công ty, trong đó có người làm việc gần 3 năm, không có hợp đồng lao động (LĐ) nên quyền lợi bị ảnh hưởng.

Trong Tháng Công nhân năm 2016, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã giải quyết kịp thời 2 vụ ngừng việc tập thể.

Nguyên nhân khiến gần 300 CNLĐ Công ty TNHH ASTRO ngừng việc là do công ty cũ (Công ty Lamvy Vina) đóng BHXH chưa kịp thời, thông tin về việc trích nộp BHXH còn hạn chế, việc chốt sổ và giải quyết chế độ BHXH chậm.

Bên cạnh còn là do thời điểm này công ty chưa có tổ chức công đoàn đứng ra đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNLĐ.

Còn tại Công ty TNHH LEADER, hơn 600 CNLĐ không hài lòng về cách ứng xử giữa bộ phận quản lý với CNLĐ, điều kiện và môi trường làm việc chưa đảm bảo và các chế độ chính sách giải quyết cho CNLĐ chưa thỏa đáng.

Đến quý I/2017, LĐLĐ tỉnh lại giải quyết 3 vụ ngừng việc tập thể của gần 3.000 CNLĐ tại Công ty TNHH NeObags, Công ty TNHH Dệt may Thành Công và Công ty Huế Bằng.

Nguyên nhân liên quan đến việc nâng lương tối thiểu vùng, tiền ăn ca, phí qua phà, lương theo thâm niên, công ty chưa thông báo nâng lương tối thiểu vùng và lịch nghỉ tết; thay đổi quy chế xét khen thưởng chuyên cần cho CNLĐ mà không tổ chức đối thoại lấy ý kiến.

Công đoàn ở đâu trong những cuộc ngừng việc?

Trước những vụ việc lãn công, ngừng việc tập thể, nhiều câu hỏi đặt ra là công đoàn ở đâu và tại sao  không đứng ra bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ?  

Chị Lâm Thị B- công nhân lao động tại Khu công nghiệp Hòa Phú tâm sự: “Hầu như làm ở công ty nào cũng “chạy” sản lượng nên chúng tôi làm việc rất áp lực.

Cứ mỗi giờ là có người hối thúc, thậm chí là bị rầy la như cơm bữa. Có khi áp lực quá, làm cả ngày mà không thể đi vệ sinh để kịp thời gian may hàng cho các chuyền sau, nếu không sẽ bị “mắng”.

Công việc đã áp lực mà chuyện ăn uống, nghỉ ngơi cũng “khó đủ đường” rồi chưa kể đến việc đóng BHYT, BHXH nhưng không thấy đâu, tới lúc đi khám bệnh chỉ biết... chịu trận”.

“Nói là có công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ nhưng khi xảy ra vụ việc thì công đoàn chưa có mặt kịp thời.

Năm 2008 đến nay, các cấp công đoàn đã tiếp nhận, giải quyết và tham gia giải quyết được 365 đơn khiếu nại, kiến nghị, bảo vệ quyền lợi cho 20.354 lượt CNLĐ. Trong đó, LĐLĐ tỉnh giải quyết được 87 đơn, bảo vệ quyền lợi cho 18.790 CNLĐ.

Bao nhiêu áp lực, khó khăn chúng tôi đều lãnh đủ. Còn việc chăm lo phúc lợi như tặng quà cho CNLĐ nghèo, xây nhà “Mái ấm công đoàn” nhưng với số lượng vài chục ngàn CNLĐ thì mỗi năm tặng 100- 200 phần quà hay cất vài căn nhà cũng chẳng thấm vào đâu”- chị B. trải lòng.

Theo LĐLĐ tỉnh, trong 10 năm qua (2008- 2018), các cấp công đoàn đã tham gia và trực tiếp giải quyết thỏa đáng các yêu cầu về quyền lợi, chế độ chính sách 33 vụ việc lãn công, ngừng việc tập thể của 14.673 lượt CNLĐ ở các DN.

Nội dung tranh chấp chủ yếu là do DN chi trả lương, thưởng, phụ cấp chậm và nợ, trích tiền BHXH của CNLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH; do một số quyền lợi và chế độ chính sách đối với CNLĐ chưa thỏa đáng.

“Thủ lĩnh” của CNLĐ cần thường xuyên đến nơi làm việc để hiểu hơn về những khó khăn và tâm tư của CNLĐ.
“Thủ lĩnh” của CNLĐ cần thường xuyên đến nơi làm việc để hiểu hơn về những khó khăn và tâm tư của CNLĐ.

Nhìn chung các vụ việc này, sau khi nhận được thông tin, công đoàn các cấp đã cùng với các cơ quan chức năng cử người đến gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CNLĐ; đồng thời trao đổi với lãnh đạo công ty để đi đến sự thống nhất chung và sau đó CNLĐ đã trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Văn Trí- Phó Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tỷ Xuân- nhận định:

Những cuộc lãn công, ngừng việc tập thể do lãnh đạo, cán bộ  công đoàn chưa qua đào tạo, chưa có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề, chưa đại diện vào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ. Và khi có sự bất đồng giữa DN và CNLĐ thì những cuộc lãn công, ngừng việc tập thể là khó tránh khỏi.

“Điều quan trọng là những “thủ lĩnh” công đoàn phải biết tùy tình huống mà xử lý. Đặc biệt, đối với các DN nước ngoài thì càng phải biết “tùy cơ ứng biến”. Khi DN bỏ tiền ra đầu tư thì phải quan tâm đến lợi nhuận. Vấn đề là công đoàn phải biết làm sao cho quyền lợi và nghĩa vụ các bên được hài hòa”- ông Nguyễn Văn Trí chia sẻ.

 Thời gian qua, công tác triển khai, tuyên truyền nghị quyết cho CNLĐ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc thời gian và kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của CNLĐ tuy có nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Việc thực hiện hợp đồng LĐ ở một số DN chưa nghiêm, nên vẫn còn tình trạng NVTT trái luật và công tác bảo hộ LĐ, chăm sóc sức khỏe, tình hình tai nạn LĐ và bệnh nghề nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức; quan hệ LĐ vẫn có xu hướng phức tạp.

Một số CĐCS tại các DN hoạt động chưa hiệu quả, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của công đoàn cấp trên, cán bộ CĐCS thay đổi thường xuyên, không ổn định ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn.

Kỳ 2: Ở đâu có công nhân ở đó có công đoàn

Bài, ảnh: THANH THỦY- XUÂN TƯƠI