Những hiệu quả tích cực từ phong trào thi đua yêu nước

Cập nhật, 05:32, Thứ Năm, 05/04/2018 (GMT+7)

Phát biểu tại hội nghị tổng kết giao ước thi đua cụm Tây Nam Bộ năm 2017, các đại biểu đã có những chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức và tính hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước mang lại.

Phong trào thi đua giữa các tỉnh Tây Nam Bộ thời gian qua đã thực sự là động lực cho sự phát triển ở mỗi địa phương. Trong ảnh: Đại diện các tỉnh Tây Nam Bộ quyết tâm thực hiện tốt nội dung giao ước thi đua năm 2018. Ảnh: THANH- NGA
Phong trào thi đua giữa các tỉnh Tây Nam Bộ thời gian qua đã thực sự là động lực cho sự phát triển ở mỗi địa phương. Trong ảnh: Đại diện các tỉnh Tây Nam Bộ quyết tâm thực hiện tốt nội dung giao ước thi đua năm 2018. Ảnh: THANH- NGA

* Ông Đoàn Tấn Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Cũng như các tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ, trên cơ sở xác định thế mạnh và tiềm năng phát triển, ngay từ đầu năm, Đồng Tháp đã tập trung triển khai phong trào thi đua yêu nước trên nhiều lĩnh vực.

Theo đó, Đồng Tháp đã đề ra phương châm hành động nhất quán và xuyên suốt đó là “Cam kết xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”.

Từ phương châm đó, tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản thuộc thẩm quyền nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cá nhân, tổ chức trong quan hệ hành chính.

Trong đó, có thể kể ra nhiều mô hình, cách làm mới được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao như:

Mô hình “Cà phê doanh nhân- doanh nghiệp” để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, triển khai xây dựng chính quyền thân thiện thông qua mô hình: Chính quyền tiếp xúc, đối thoại với tổ chức, công dân tại cơ sở (còn gọi là mô hình “Ngày thứ 6 nghe dân nói”);

thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh (Trung tâm Hành chính công đầu tiên của khu vực ĐBSCL) để tập trung đầu mối nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính ở cấp tỉnh.

Để đảm bảo công tác CCHC đạt hiệu quả, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã ký cam kết với UBND tỉnh thực hiện tốt các nội dung về CCHC tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng thời, để đánh giá kết quả thực hiện cam kết đó, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá CCHC, được thực hiện thông qua phần mềm và vừa qua UBND tỉnh đã công bố Chỉ số này đối với các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện năm 2017.

Bên cạnh đó, tỉnh đã rà soát và ban hành quy trình cải cách trong thực hiện trình tự, thủ tục triển khai dự án để giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

Đẩy mạnh CCHC thông qua việc triển khai các thủ tục hành chính liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo thiết lập và tận dụng các tính năng hữu ích của mạng xã hội vào công tác quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức cũng như nâng cao tính tương tác giữa chính quyền với người dân.

Mặt khác, trong tháng 12/2017, tỉnh cũng vừa triển khai một cách làm mới để tạo thuận tiện cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đó là mô hình hẹn giờ, hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà theo yêu cầu của người dân đối với 46 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh.

Kết quả thực hiện CCHC những năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đưa tỉnh luôn đứng vào TOP 5 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 10 năm liền (năm 2017 xếp thứ 3).

Ngoài ra, các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC (PAR), Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) đều thuộc nhóm đầu cả nước.

* Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Phát động phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp”

Trong tiến trình phấn đấu để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Bến Tre đã xây dựng một lộ trình, trong đó năm đầu tiên là khởi động, năm thứ 2 là hành động, năm thứ 3 là tăng tốc, năm thứ 4 là bứt phá và năm thứ 5 là về đích.

Từ lộ trình đó, tỉnh đề ra lộ trình thi đua hàng năm nhằm thúc đẩy cho cả hệ thống chính trị có sức rướn lên để đạt được các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong các năm qua, chuỗi hoạt động mà tỉnh tập trung là xây dựng phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp” và phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, chúng tôi coi trọng phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp để làm sao thúc đẩy cho kinh tế tỉnh phát triển tốt hơn. Và chính từ phong trào này, tỉnh đã có những mô hình, điển hình để cho giới trẻ khởi nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Cụ thể, trong phong trào “Đồng Khởi mới” để xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, chúng tôi không giao cụ thể bao nhiêu xã mà để cho các xã tự đăng ký thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác của địa phương.

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng tôi đã xây dựng được 22 xã nông thôn mới, so với các tỉnh trong khu vực thì chưa nhiều lắm nhưng nó tạo được nền tảng cho những năm tiếp theo bởi vì số tiêu chí còn lại của các xã đã đăng ký không lớn lắm.

Theo đánh giá của tỉnh, phong trào thi đua xây dựng nông mới của tỉnh có tính bền vững vì mang tính tự giác, tự nguyện, sát hợp với địa phương.

Trong năm 2017, tỉnh đạt chỉ số GRDP tương đối tốt với mức tăng 6,7% (chỉ tiêu nghị quyết 6,5%) và trong 32 chỉ tiêu mà tỉnh đề ra, tỉnh đạt được 30 chỉ tiêu, điều này chứng tỏ trong năm hành động mà tỉnh đề ra có bước chuẩn bị tốt.

Một điểm nổi bật nữa là năm qua, chỉ số PCI của tỉnh tăng từ hạng 12 (năm 2016) lên hạng 5 (năm 2017).

Để đạt được kết quả này, tỉnh nỗ lực chuẩn bị từ đầu nhiệm kỳ khi quyết tâm chỉ đạo từ CCHC, ban hành nhiều chính sách, và biện pháp tổ chức triển khai thực hiện. Và các kết quả đạt được như trên đều có gắn kết với các phong trào thi đua của từng cấp, từng ngành.

B.THANH- T.NGA (ghi)