Giỗ Tổ Hùng Vương- lưu truyền và lan tỏa

Cập nhật, 05:13, Thứ Tư, 25/04/2018 (GMT+7)

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (thứ 2 từ phải sang) dẫn đầu đoàn dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Khánh Duy
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón (thứ 2 từ phải sang) dẫn đầu đoàn dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017 tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Khánh Duy

Lưu truyền qua các thời đại

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại đền Hùng, rằng: “...

Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”

Như vậy, có thể hiểu từ thời Hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ ngày 10/3 âm lịch. Bù lại họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Ngày nay khi lên đền Thượng, chúng ta còn thấy lưu lại tấm bia được lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940), có giải thích rõ lý do lấy ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ) là mùng 10/3 âm lịch hàng năm: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ.

Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng 10/3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày.

Còn ngày giỗ (11/3) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL- CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương- hướng về cội nguồn dân tộc.

Cũng tại đền Hùng, Bác Hồ của chúng ta đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước- Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lan tỏa đến từng xóm ấp, gia đình

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng.

 Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh tư liệu: Khánh Duy
Dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Ảnh tư liệu: Khánh Duy

Trong hồ sơ công nhận, UNESCO ghi rõ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành phong tục, truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam khi nó hiện diện trong từng ngôi nhà, trong từng gia tộc trên cả nước này từ ngàn xưa đến nay.

Tinh thần ấy, truyền thống ấy thể hiện trong tục thờ cúng, ngày giỗ tổ tiên, ông bà đã khuất. Rất nhiều du khách nước ngoài, khi nhìn thấy bàn thờ của người Việt Nam, họ đã rất ngạc nhiên khi hiểu rằng tất cả thành viên trong dòng họ, gia đình dù đã khuất nhưng vẫn luôn hiện diện trong sự tưởng nhớ của cháu con, mà biểu tượng là bàn thờ đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà.

Ở miền Tây Nam Bộ, bàn thờ còn ghi rõ dòng chữ “cửu huyền thất tổ”- là mối dây liên kết đến 9 thế đại và 7 vị tổ phụ. Rộng ra ngoài cộng đồng là mái đình thờ cúng tưởng nhớ công ơn các vị Tiền hiền, Hậu hiền dựng làng lập ấp. Và cao hơn cả, chung nhất cho cả dân tộc chính là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Vĩnh Long là một trong số các tỉnh sớm nhất ở ĐBSCL đã lập bàn thờ Quốc Tổ; đồng thời có nhiều ngôi đình ở Vĩnh Long, đặc biệt là Long Hồ có lập bàn thờ Quốc Tổ và cúng giỗ Tổ trang trọng vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm.

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước; đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã lưu truyền hàng ngàn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước- Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

 

 

NGỌC TRẢNG