"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua"(*)

Cập nhật, 05:34, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

Xuân Mậu Tuất 2018 cũng là thời điểm toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968. 50 năm trôi qua, bài thơ xuân của Bác đọc đêm giao thừa vẫn còn in đậm trong trí nhớ của bao người: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Mùa Xuân 1968 là khúc tráng ca của dân tộc, nhớ lời Bác, chúng ta đã và đang nỗ lực từng ngày để “xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Đường nông thôn mới đầy hoa, ôtô bon bon chạy.
Đường nông thôn mới đầy hoa, ôtô bon bon chạy.

“Hoan hô xuân 68 anh hùng” (**)

Mùa Xuân Mậu Thân năm 1968 đã ghi vào lòng người những dấu ấn không thể phai mờ. Ông Nguyễn Ký Ức (Sáu Ức)- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn vẹn nguyên những ký ức hào hùng.

Ông Sáu Ức bước đi chậm chạp, tai yếu phải gắn máy trợ thính nhưng giọng vẫn sang sảng: “Năm đó, tối 27/1/1968, nhận được lệnh tấn công, chúng tôi họp tại xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) để phân công nhiệm vụ cụ thể và hẹn 0 giờ ngày 29/1/1968 nổ súng, điểm khởi đầu là sân bay Vĩnh Long”.

Ông nói thêm: “Trong kế hoạch chiến dịch mùa khô 1967- 1968, chủ trương của Khu ủy đề ra mục tiêu tiêu diệt sinh lực địch với quyết tâm cao nhất, tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Ban chỉ huy xác định nhiệm vụ trọng tâm là đánh vào cơ quan đầu não địch, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.

Hướng tiến công chủ yếu là Tiểu khu quân sự Vĩnh Long, hướng quan trọng là Sân bay Vĩnh Long và đánh chiếm bến phà Mỹ Thuận, cắt đứt giao thông QL1A (trước đây là QL4).

Ông Sáu Ức cho biết: Khí thế quân dân ta lúc đó hùng hồn lắm, khẩu hiệu là “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ, du kích đã trên tư thế sẵn sàng khi Đảng gọi. Tính riêng xã Hòa Hiệp (Tam Bình) đã có hàng ngàn thanh niên đăng ký nhập ngũ đợt này.

“Có những bà mẹ tiễn người con cuối cùng của mình ra trận”- ông Sáu Ức nói, mắt nhìn xa xôi- “Thành quả nổi bật của Vĩnh Long trong chiến dịch này là đã giữ chính quyền trong 6 ngày đêm”.

Còn đối với cô Lê Thị Hoa ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) thì Chiến dịch Mậu Thân 1968 ghi dấu những tháng năm đầu tiên theo cách mạng.

Cô Hoa chia sẻ: “Năm đó tôi 18 tuổi, đi bộ đội chủ lực Quân khu 8, đánh ở Long An”. Cô Hoa còn nhớ khi đơn vị của mình đi ngang những đồn bót trên sông Vàm Cỏ, phát loa kêu gọi binh lính đầu hàng, bỏ súng xuống cho cách mạng tổng tấn công.

“Khí thế hừng hực, sôi nổi lắm, anh em chiến sĩ ai cũng dốc hết sức, hết lòng cho tiền tuyến”- rồi giọng cô Hoa nhỏ lại- “Bên cạnh những thắng lợi đạt được thì cũng có lắm hy sinh, anh trai tôi cũng hy sinh trong chiến dịch này”.

Mất mát, hy sinh không làm những người lính Cụ Hồ chùn bước, bởi mọi người đều tin có ngày chiến thắng rồi “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà” và nông thôn sẽ nối liền thành thị để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cho xuân này hơn hẳn xuân qua

Nông dân tiến tới sản xuất sạch hơn để làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Nông dân tiến tới sản xuất sạch hơn để làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Nếu làm thử một phép so sánh về kinh tế- xã hội năm 1968 với năm 2018 thì quả là một sự khập khễnh lớn.

Ông Nguyễn Ký Ức bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi năm làm một vụ lúa mùa, trúng lắm cũng chỉ 15 giạ/công”. Ở thôn quê, nhà nào cũng thiếu ăn, lúc nào cũng đói.

Quần áo thì thiếu thốn đến độ có khi anh em phải mặc chung 1 cái quần dài. TX Vĩnh Long không đủ điện sử dụng. Nông thôn thì làm gì có điện, có nước sạch. Giờ đây điện sáng, nước sạch từ thành thị tới nông thôn.

Vĩnh Long là một tỉnh thuộc ĐBSCL- vựa lúa cả nước- mà một thời ĐBSCL từng thiếu ăn với chỉ 4,2 triệu tấn lúa/năm, nhưng nay đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới.

Mạng lướu giao thông phát triển nối liền các vùng, miền. Ngoài cây cầu thế kỷ Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Cổ Chiên, nay sắp thêm Cao Lãnh, Vàm Cống nối liền sông Tiền, sông Hậu.
Mạng lướu giao thông phát triển nối liền các vùng, miền. Ngoài cây cầu thế kỷ Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Cổ Chiên, nay sắp thêm Cao Lãnh, Vàm Cống nối liền sông Tiền, sông Hậu.

GS.TS. Võ Tòng Xuân cho rằng: “Chúng ta còn đang tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại, một nền nông nghiệp mà nông dân không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu trên mảnh đất của mình”.

Nếu những năm mới giải phóng, Vĩnh Long và cả nước phải đối mặt với giặt dốt thì nay tỉnh nhà đang tiến tới đào tạo lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao.

Kết quả năm học 2016- 2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 99,3% tăng 4,77% so với năm học trước; 108/109 xã- phường- thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

100% huyện đạt chuẩn phổ cập THCS mức 1 trở lên. Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 39,31%.

Nông thôn thay da đổi thịt từng ngày và trở nên gần với thành thị nhiều hơn. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết (xã Phú Lộc- Tam Bình) là người đã góp 200 giạ lúa cho cách mạng năm 1968, có 3 con hy sinh, kể: “Cả cái xóm này lúc chiến tranh chỉ có 4 cái nhà, nhà nào cũng như cái chòi lá.

Nay thay bằng hàng trăm nhà tường. Con đường mòn nhỏ đầy bưng lác ngày nào giờ đã được láng nhựa, xe 4 bánh chạy bon bon…”.

Không chỉ có ý nghĩa trực tiếp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn có ý nghĩa trường tồn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là kết hợp kiến quốc với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường, để mỗi mùa xuân về đều hơn hẳn những xuân qua…

(*) Bài thơ “Chúc Tết Mậu Thân 1968” của Bác Hồ.

(**) Bài thơ “Bài ca Xuân 68” của Tố Hữu.

Chiến dịch Mậu Thân đã làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Và theo các nhà phân tích, nếu không có Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC