Vùng cây trái dọc miền sông

Cập nhật, 05:36, Thứ Năm, 15/02/2018 (GMT+7)

Trong 9.668ha vườn ở huyện thuần nông Vũng Liêm hiện có hơn 1.820ha trồng bưởi (Năm Roi, Cổ cò, da xanh,...), trong đó trên 1.250ha canh tác bưởi da xanh. Chúng tôi đi cùng yếu tố chuyển đổi, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để nhìn về vùng cây trái chủ lực, tiềm năng dọc miền sông nước Cổ Chiên những ngày giáp tháng Chạp này.

 Hướng cây bưởi da xanh sẽ tiếp tục phát triển.
Hướng cây bưởi da xanh sẽ tiếp tục phát triển.

Cây chủ lực và tiềm năng

Theo ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, toàn huyện có 1.820ha trồng bưởi, trong đó hơn 1.250ha trồng bưởi da xanh.

Trong tổng diện tích đó, một dự án của tỉnh vừa mới đầu tư cây giống tới 240ha. Cây bưởi tập trung nhiều ở các xã dọc sông Cổ Chiên, trong đó chiếm đa số ở cù lao Thanh Bình- Quới Thiện: Thanh Bình (655ha, có 415ha bưởi da xanh), Quới Thiện (414ha, có 295ha bưởi da xanh).

Dọc miền sông này, thời gian qua còn phát triển rộ lên ở xã Trung Chánh (hơn 100ha), Quới An (gần 70ha), Tân Quới Trung, Trung Nghĩa, Trung Hiệp (đều trên dưới 50ha) và là bưởi da xanh.

“Hiện tại 60% diện tích bưởi đang cho trái, với sản lượng 10- 15 tấn/ha. Mùa nắng có giá hơn, thường kéo dài từ trong tết đến tháng 1, 2 âl năm sau”- ông Dương Ái Đạo ước tính.

Thanh Bình có diện tích trồng bưởi nhiều nhất ở Vũng Liêm. Cây trái đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở vùng cù lao này.
Thanh Bình có diện tích trồng bưởi nhiều nhất ở Vũng Liêm. Cây trái đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở vùng cù lao này.

Các cây chủ lực trên địa bàn huyện thuần nông Vũng Liêm xác định gồm: lúa, cây có múi (bưởi da xanh), ngoài ra còn có cây cam sành hiện đang phát triển.

Không thể không kể đến vùng cây ăn trái tiềm năng ở các xã dọc sông Cổ Chiên có sầu riêng, xoài cát núm ở Quới An, Trung Chánh và nhất là tập trung ở vùng cù lao Thanh Bình- Quới Thiện.

Ông Nguyễn Văn Nhựt (ấp Thanh Tân, xã Thanh Bình) đang canh tác 15 công bưởi da xanh, trong đó phân nửa đang cho huê lợi.

Với diện tích đang cho trái, ông có bán quanh năm, mỗi tháng vào đợt hái được 1 tấn hoặc rộ thì 2 tấn trái. Giá bán ở thời điểm trò chuyện với phóng viên là 35.000 đ/kg, tính ra mỗi đợt thu cũng hàng chục triệu đồng.

Ông Nhựt nói “giá vậy là bình bình”. Cây bưởi có thể cho trái “gối đầu” và thu hoạch quanh năm, nhưng giá cao nhất ở 2 thời điểm tháng 11, tháng Chạp và đạt “đỉnh” ở lối tháng Giêng, tháng 2 âl năm sau. Chuyển sang trồng bưởi hơn chục năm, ông Nhựt coi như có kinh nghiệm. 

Ông rút cho mình kinh nghiệm trong quá trình canh tác là: mô cao thoáng đất, phân thuốc hữu cơ... cùng hỗ trợ tư vấn nhiều năm về khoa học kỹ thuật và học hỏi xóm giềng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình Ngô Minh Tấn cho biết: Xã có trên 415ha bưởi da xanh trong tổng diện tích bưởi trên địa bàn, hiện tỷ lệ cho trái khoảng 65%. Thanh Bình đã là xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ước năm nay 40,8 triệu đồng/người/năm. 

Ông nói giá bán hiện tầm 35.000 đ/kg và cũng nhờ cây bưởi da xanh mà “bà con hộ nào đất ít trồng ít thì thoát nghèo, hộ 1-2ha nhiều huê lợi thì khá giàu”. Ở đây là vậy, có điều kiện là người ta kiếm giống, gây vườn và đó là đặc thù ở vùng cây lành trái ngọt này.

“Đường đi nước bước” cho kinh tế vườn

Theo ông Ngô Minh Tấn, xã đang phối hợp với ngành chức năng tỉnh xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh VietGAP 48,7ha tập trung ở các ấp Thanh Phong, Thanh Tân, Thông Lưu.

Đi thực tế và trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Đệ- công chức nông nghiệp UBND xã Thanh Bình cho biết:

Ông Nhựt và các hộ khác trong ấp đang làm mô hình bưởi da xanh VietGAP ở xã và dự đoán “bưởi da xanh mình dần canh tác theo hướng đó là ngon ăn”.

Vườn bưởi da xanh nhà anh Nguyễn Văn Nhựt với vụ trái này sẽ vào đợt tết.
Vườn bưởi da xanh nhà anh Nguyễn Văn Nhựt với vụ trái này sẽ vào đợt tết.

Làm VietGAP và đạt VietGAP rồi thì không phải một sớm một chiều hàng hóa nông nghiệp của nông dân ngẫu nhiên rộng rãi bốn phương. Điều ông Nhựt mong là cây bưởi da xanh khi có thương hiệu rồi, thì có “đường đi nước bước” làm sao để việc tiêu thụ ổn định hơn và giá cả buôn bán cao hơn để người trồng bưởi thụ hưởng.

Nói thêm mong muốn, cả ông Nhựt lẫn ông Nguyễn Hoàng Đệ đều cho rằng hiện hầu hết giống má do bà con mình tự làm và chưa có cơ sở thu mua tập trung mà chủ yếu phụ thuộc vào thương lái bên Chợ Lách. Vì phụ thuộc thị trường nên tiêu thụ cũng bấp bênh.

Điều này dễ dẫn đến giống má không chuẩn hay cây trái được mùa mất giá và ngược lại vẫn còn là bài toán phải giải.

Ông Dương Ái Đạo cho rằng hướng tới, sầu riêng, xoài xiêm núm, xoài cát núm chủ yếu được đầu tư thâm canh; còn cây bưởi tiếp tục mở rộng. Diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang vườn và lập vườn mới. Dự kiến tới năm 2020, cây bưởi da xanh phát triển đạt 1.500ha.

Theo ông Dương Ái Đạo, tình hình phát triển cây ăn trái trên địa bàn ổn định theo hướng kinh tế hợp tác với các tổ hợp tác và hợp tác xã. Đi đôi là xây dựng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt- VietGAP, tiến tới trồng cây ăn trái chất lượng, liên kết đầu ra, ổn định giá cả...

Đồng hành bên cạnh là giống và khoa học kỹ thuật, nhất là công tác thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhìn nhận nhiều mặt tích cực, nhân nói “thiên thời” trong sản xuất nông nghiệp, ông Ngô Minh Tấn nêu cái khó hiện nay là hệ thống đê bao cống đập trên địa bàn tuy đã khép kín nhưng chưa bền vững, nên đảm bảo ngăn mặn, chống triều còn hạn chế.

Như vùng cù lao thường 6 tháng đầu năm hạn, mặn (có thể) xâm nhập, còn 6 tháng cuối năm thì con nước triều cường về. Mấu chốt ở những điều này là mong mỏi lớn hơn của chính quyền và bà con nơi đây về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để sản xuất mần ăn ngày thêm bền vững.

Cây có múi phát triển mạnh

Trong khoảng 9.668ha vườn ở huyện, cây dừa nhiều nhất với hơn 3.880ha; kế đến là diện tích bưởi với trên 1.820ha, trong đó trên 1.250ha bưởi da xanh.

Các cây trái còn lại có: gần 1.080ha xoài các loại; gần 1.050ha sầu riêng; riêng cam sành phát triển mạnh thời gian qua giờ lên đến gần 930ha, trong đó cam sành xuống ruộng khoảng 884ha và hiện 354ha đang cho trái.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN