Nông dân Tam Bình rộn rã đón xuân

Cập nhật, 06:04, Thứ Tư, 07/02/2018 (GMT+7)

Trong tiết trời lành lạnh cuối tháng Chạp, chúng tôi về Tam Bình nghe chuyện nông dân rộn ràng đón xuân.

Bên những cánh đồng lúa Đông Xuân cuối bông cái (giai đoạn cong trái me) thơm nồng, những rẫy đậu, rẫy bắp tươi non đã “có hẹn” cùng chợ tết. Nông sản được mùa được giá, bà con năm nay sẽ có cái tết ấm áp hơn.

Ngọt mùa trái cây

Những cây cam sành phát triển và cho trái ngọt trên đất Tam Bình.
Những cây cam sành phát triển và cho trái ngọt trên đất Tam Bình.

Cây cam sành đã sống lại trên mảnh đất Tam Bình. Cây cho trái ngọt, người trồng cam cũng nhiều hơn và những người sống nhờ cây cam đang tăng dần.

Anh Lê Hoàng Linh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ninh- cho biết: “Toàn xã có hơn 400ha cam sành, là một trong những xã trồng cam nhiều nhất huyện”.

Đợt màu Tết Mậu Tuất 2018, huyện Tam Bình vận động nông dân trồng màu 1.445,5ha, đạt 27,3% kế hoạch năm. Trong đó: màu ruộng 573,7ha; màu vườn 871,8ha.

Theo chân anh Linh, chúng tôi đến vườn cam sành của anh Đinh Hữu Phúc- người mới thuê thêm 8 công đất trồng cam. Anh Phúc khởi nghiệp trồng cam sành từ 3 công vườn nhà. 

Anh cho biết: “Hồi trước, vườn kém hiệu quả nên tôi đánh bạo cải tạo trồng cam sành”. Cam mùa nghịch năm nay thu hoạch được khoảng 10 tấn, giá 22.000 đ/kg. Tính ra tổng thu từ 3 công được khoảng 220 triệu đồng.

Anh Phúc cười thật tươi khi chúng tôi hỏi về lợi nhuận: “Không rõ lời bao nhiêu nhưng tôi đã thu hồi được số tiền mình đầu tư và có lời chắc rồi mới tự tin thuê thêm 8 công trồng cam tiếp”- anh tiếp tục “Năm nay tết ổn định rồi”.

Bên cạnh vườn cam trĩu quả của anh Phúc, khi đến xã Bình Ninh, nhắc đến cam, không quên những cái tên nổi bật như ông Huỳnh Văn Út, Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Văn Xuyên, Nguyễn Văn Hải,… Những hộ đã ăn nên làm ra từ cây cam sành.

Một loại cây mới đã bén rễ và giúp nhiều gia đình ở Tam Bình làm giàu là cây sầu riêng Ri 6. Chị Cao Thị Trinh (xã Mỹ Thạnh Trung) vừa cân hơn 4 tấn trái với giá 48.000 đ/kg.

Với số tiền bán sầu riêng hơn 140 triệu đồng, trừ các chi phí như phân, thuốc, tính ra vợ chồng chị còn rủng rỉnh trăm triệu gửi ngân hàng.

Chị Trinh cười: “Vườn tui thấm tháp gì, tui có mấy ông cậu trồng gần 20 công, bán mỗi lần bạc tỷ”.

Được mùa rẫy tết

Chú Đặng Văn Vũ cho biết “tết này bà con mình ăn ngon rồi!”
Chú Đặng Văn Vũ cho biết “tết này bà con mình ăn ngon rồi!”

Một năm mới sắp đến, nhiều nông dân trong huyện phấn khởi vì một năm được mùa, trúng giá. Bởi, ngoài thời tiết khá thuận lợi, địa phương còn chủ động đê bao “chở che” cho nông sản an toàn.

Chú Đặng Văn Vũ (ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ) có hơn 20 năm làm nông cười hì hì: “2 vụ liên tiếp ngon ăn, tết này chắc ăn lớn à”.

Chú Vũ trồng hơn 2 công rẫy và 4 công ruộng mà “cái nào cũng trúng” nên tết này vui hơn. Chú đứng lên nhẩm tính tiền lời, rời tay khỏi mấy cây ớt đang vồng: “Chuyến này dưa leo được giá từ 9.000- 10.000 đ/kg, 1 công dưa tui lời cỡ 10 triệu à nghen”.

Gia đình chú có 3 người, 2 con lớn đã có vợ chồng ra riêng nên chỉ tính số tiền bán dưa leo đợt này đã bỏ túi 20 triệu đồng. Chú cười: “1 công màu trúng bằng 5 công ruộng, mà 1 năm thì trồng màu 3 vụ khỏe”.

Rẫy đậu que xanh ngọt của anh Phạm Quốc Triều.
Rẫy đậu que xanh ngọt của anh Phạm Quốc Triều.

Ở rẫy kế bên, vợ chồng anh Phạm Quốc Triều (ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ) đang hái đậu que. Những bờ đậu dài tít tắp, xanh ngút tầm mắt đẹp như một bức tranh.

Anh Triều lấp ló dưới những hàng đậu để hái trái, 2 cái thau đã nặng trĩu đậu, xanh non. Mỗi ngày gia đình anh Triều hái được hơn trăm ký đậu.

“Tui làm rẫy lâu rồi, luân phiên màu với nhau. Năm rồi, tui trồng dưa leo, năm nay trồng đậu que. Tết mà nghe tới “đậu” là dân mình chuộng lắm”- anh Triều nói mà tay vẫn thoăn thoắt hái đậu. Với giá cân tại vườn 6.000 đ/kg, chưa cao bằng năm ngoái nhưng nông dân đã có lời chút đỉnh vui xuân.

Bên cạnh những luống rau xanh nõn làm ngon thêm bữa cơm ngày tết thì những ruộng bắp “đều ran” đã sẵn sàng “vừa ăn” cho những ngày cuối năm.

Anh Nguyễn Văn Trà (xã Mỹ Thạnh Trung) có gần 2 công bắp tết vui vẻ cho biết: “Năm nay trái bự hơn năm ngoái nghen, chắc ăn như bắp luôn”.

Nếu giá bắp được từ 30.000- 35.000 đ/chục như năm rồi, sẽ thu về “cỡ chục triệu được”- anh Trà nhẩm tính rồi nói thêm: “Năm rồi lái hẹn vô bẻ mà bà con hàng xóm lại mua trước hết một nửa!”

Tết đã đến, hòa cùng niềm vui của nhiều nông dân huyện Tam Bình. Một khi con người đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, biết chủ động phòng chống thiên tai và sản xuất sạch hơn thì đời sống cũng được nâng cao. Tin rằng, tết đến Tam Bình năm sau càng đẹp hơn năm trước.

Theo ông Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình: Năm 2017, huyện Tam Bình đạt nhiều thành tựu về nông nghiệp, đời sống người dân được cải thiện và thu nhập bình quân đầu người đạt 30,56 triệu đồng/người/năm.

Bài, ảnh: HUYỀN NGA