Hành động vì đồng bằng phát triển bền vững

Cập nhật, 06:31, Thứ Sáu, 16/02/2018 (GMT+7)

Nhận diện đầy đủ thách thức để tìm giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL là vấn đề hiện không phải chỉ để bàn thảo và quyết nghị, mà quan trọng hơn là hành động.

Nước lũ năm nay tràn đồng ở nhiều tỉnh- thành ĐBSCL, nhưng không vơi được nỗi lo thiếu nước ngọt của người dân, khi đợt hạn mặn “chưa từng có” xảy ra năm 2016 dự báo… chỉ mới bắt đầu. 

Những biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu rõ nhất qua tần suất mưa và khô hạn bất thường diễn ra đều khắp ở các tỉnh phía Nam trong vài năm trở lại đây.

Nhiều thách thức lớn

 

Công trình phải được cân nhắc đầu tư “ít hối tiếc”, linh hoạt.
Công trình phải được cân nhắc đầu tư “ít hối tiếc”, linh hoạt.

ĐBSCL xưa nay được xác định là vùng đất “thiên thời địa lợi”. Nước ngọt chiếm phần rất quan trọng nuôi sống con người, những vườn cây, cánh đồng lúa bạt ngàn.

Với ĐBSCL, tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững- như nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng nhận định: “Nếu không có dòng nước sông Cửu Long thì không có ĐBSCL”. Tuy nhiên, đợt hạn mặn 2016 gây nhiều ngỡ ngàng cho 18 triệu dân khu vực này.

Những nguyên nhân được chỉ ra, đó là hàng loạt thủy điện mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, chặn dòng chảy khiến nước về khu vực đồng bằng thiếu hụt, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm...

Tất cả đã cộng hưởng tạo nên một cơn khát nước ngọt. Lần đầu tiên, Bộ Nông nghiệp- PTNT nhìn nhận hạn hán, mặn xâm nhập xảy ra ở khu vực ĐBSCL là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại về kinh tế ước gần 8.000 tỷ đồng với gần 400.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. Ngành sản xuất nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm.

Không chỉ vậy, thách thức ĐBSCL hôm nay không chỉ là câu chuyện nước ngọt, mà phải bàn đến phù sa. Việc gia tăng khai thác, sử dụng nước ở các quốc gia thượng nguồn gây suy giảm nghiêm trọng dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, hệ sinh thái thủy sinh đến đồng bằng.

Tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững ĐBSCL.
Tài nguyên nước có vai trò quyết định cho phát triển bền vững ĐBSCL.

Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy, trước nay hạ nguồn sông Mekong có được 3 túi nước để cân bằng một phần sinh thái.

Đó là hồ Tonle Sap (Campuchia) và khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha), tứ giác Long Xuyên (590.000ha).

Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ làm lũ hiền hòa, từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn.

Chính vì thế, cần phải xem xét lại việc đắp đê bao, sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên.

Chủ động sống chung

Dần gỡ bỏ “ngôi vua” của cây lúa, chuyển từ cải tạo, đối phó với thiên nhiên sang thích ứng... là những tư duy đột phá, thống nhất tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBCSL tại Cần Thơ vào tháng 9 vừa qua.

Qua khảo sát dọc sông Hậu và bờ biển sạt lở của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã thấy được thực tiễn đang đặt ra cùng những thành công quan trọng của các giải pháp phi công trình và một số giải pháp công trình trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, trong đó có việc người dân đã tự tổ chức lại sản xuất.

Dù phải đối mặt không ít thách thức nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này. Thủ tướng nói: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại tốt hơn cho cuộc sống người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Việt Nam”.

Nước ngọt giúp đồng bằng có những vườn trái cây trĩu quả.
Nước ngọt giúp đồng bằng có những vườn trái cây trĩu quả.

Sau hội nghị hơn một tháng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, nêu rõ cần rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông.

Mọi dự án, công trình phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học; xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực…

Nhiều nhà khoa học còn cho rằng, ĐBSCL nên chọn các giải pháp đầu tư “ít hối tiếc”, linh hoạt trong cơ cấu quản lý tài nguyên nước và các đặc trưng thủy văn.

Lũ cần được đưa trở lại vào ruộng vườn một cách chủ động nhằm khai thác tất cả lợi ích từ lũ như vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất; lấy phù sa để bồi bổ đất và nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt, bổ cập nước ngầm; giữ gìn đa dạng sinh học và khai thác nguồn lợi thủy sản,… 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH