50 năm Xuân Mậu Thân 1968

"Tất cả cho phía trước, tất cả để chiến thắng"

Cập nhật, 05:26, Thứ Ba, 30/01/2018 (GMT+7)

Với tinh thần “tất cả để đánh giặc, tất cả để thắng giặc”, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân. Từ nông thôn đến thành thị, từ vùng căn cứ đến vùng bị tạm chiếm, người góp công, người góp của, hàng loạt gia đình đưa con em ra trận, tất cả dốc sức cho tiền tuyến, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Thiếu tướng Lê Quang Viễn - Phó Tỉnh đội trưởng, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Vĩnh Long năm 1968- cùng đồng đội là ông Mười Quẹo, ông Chín Hoài nhớ về ký ức oai hùng.
Thiếu tướng Lê Quang Viễn - Phó Tỉnh đội trưởng, Tham mưu trưởng Tỉnh đội Vĩnh Long năm 1968- cùng đồng đội là ông Mười Quẹo, ông Chín Hoài nhớ về ký ức oai hùng.

Sống lại những năm tháng hào hùng

Ngày 24/1/2018, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị tổng kết những đóng góp của nhân dân Vĩnh Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Theo đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cách đây 50 năm, vào Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Vĩnh Long dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương cục Miền Nam, Khu ủy Khu 9 mà trực tiếp là các cấp ủy đảng trong toàn tỉnh đã lập nên những chiến công hiển hách: tiêu diệt sân bay Vĩnh Long, làm chủ bến phà Mỹ Thuận, làm chủ TX Vĩnh Long trong 6 ngày đêm, cắt đứt giao thông trên QL4 (nay là QL1A) trong 22 ngày, là địa phương thứ 2 sau Huế, chiếm giữ thị xã trong nhiều ngày liền.

Các cuộc tiến công cao điểm sau Tết Mậu Thân tiếp tục kết hợp 3 mũi giáp công, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn.

Đây là thành công từ sự kết hợp của quả đấm thép quân sự và phong trào chính trị rộng khắp trong đấu tranh cách mạng.

Trong một cuộc chiến tưởng chừng không cân sức, dù chưa đạt được hoàn toàn mục tiêu quân sự, song chính là bước ngoặt của cuộc kháng chiến trường kỳ, mở ra thế trận đấu tranh chính trị cho những cánh cửa hòa bình.

Những hình ảnh trắng đen quý báu được trưng bày tại Hội trường Tỉnh ủy ghi lại thời khắc lịch sử, thể hiện sinh động công lao đóng góp to lớn của quân và dân Vĩnh Long trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Đó là câu chuyện của nữ tướng Huỳnh Kim Phụng, đã tự lực vận dụng sức mạnh chiến tranh nhân dân, cùng du kích các xã cù lao nổi dậy giải phóng vùng ven này trong suốt nhiều ngày liền, viết nên một câu chuyện phi thường khác của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Đó là câu chuyện lấy gọn đồn Tân Hòa ở khu vực Bắc Mỹ Thuận, cửa ngõ của Vĩnh Long, được xem là một điển hình về phương pháp binh vận.

Cơ sở binh vận dũng cảm và trí tuệ đã lấy đồn không tiếng súng, trở thành mũi nhọn trong 3 mũi giáp công, quyết định thắng lợi.

Ông Nguyễn Văn Út (Mười Quẹo)- nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh đội phó tỉnh Vĩnh Long- chỉ tay về tấm hình trắng đen có Trung úy Nguyễn Văn Thường (sĩ quan chính quyền Sài Gòn được cách mạng phân công làm công tác binh vận để giúp sức đánh chiếm phà Mỹ Thuận); rồi ông kể về người đồng đội đang đứng kế bên là ông Nguyễn Văn Hoài (Chín Hoài)- nguyên Ủy viên Ban binh vận Khu Tây Nam Bộ- với giọng đầy tự hào:

Đại biểu xem những hình ảnh quý báu được trưng bày tại Hội trường Tỉnh ủy về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đại biểu xem những hình ảnh quý báu được trưng bày tại Hội trường Tỉnh ủy về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

“Trong tình thế hiểm nghèo, từ tay không mà đồng chí Chín Hoài đã cảm hóa Trung úy Thường, kêu gọi cả lực lượng ngụy trở về với cách mạng để đánh chiếm phà Mỹ Thuận không tốn nửa giọt máu”.

Ông Chín Hoài cười hiền: “Bác được Tỉnh ủy Vĩnh Long phân công làm Chỉ huy trưởng mặt trận cầu Bắc Mỹ Thuận lấy mũi binh vận làm chủ công đã thuyết phục được Trung úy Thường. Chưa tới 1 tuần chiếm giữ phà thì địch phản kích ác liệt.

Trung úy Thường bị thương rất nặng, đã kêu đồng đội rút để mình nằm lại. Trong tay địch, trước khi hy sinh Trung úy Thường còn hô to “Đả đảo đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh muôn năm!” Sau này, Trung úy Thường được công nhận là liệt sĩ”.

Các chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân năm xưa tham gia cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 nay có dịp hội ngộ. Trong số họ, người trực tiếp cầm súng chiến đấu, người tham gia tuyên truyền, dân công hỏa tuyến, nuôi giấu cán bộ,...

Và, tất cả cùng sống lại những năm tháng hào hùng khi hướng mắt vào màn hình xem bộ phim tài liệu “Câu chuyện của ký ức”.

“Có gì góp nấy” cho Xuân Mậu Thân 1968

Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang tặng bằng khen vinh danh những hộ gia đình có nhiều đóng góp về sức người, sức của trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Quang tặng bằng khen vinh danh những hộ gia đình có nhiều đóng góp về sức người, sức của trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu khẳng định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, góp phần phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom phá hoại ở miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Góp phần nên thắng lợi đó, nhân dân Vĩnh Long với lòng yêu nước, với tinh thần “tất cả cho phía trước, tất cả để chiến thắng” đã bất chấp hiểm nguy, nuôi chứa cán bộ, sẵn sàng cống hiến vô điều kiện về sức người, sức của phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn thanh niên đăng ký tòng quân, có những bà mẹ tình nguyện đưa người con sau cùng của mình lên đường giết giặc, cứu nước.

 Vì thế, có những gia đình có 7 liệt sĩ như Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt (xã Song Phú- Tam Bình) có chồng và 6 con đều hy sinh.

Tại hội nghị, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tuyết (96 tuổi, ấp Phú Tân, xã Phú Lộc- Tam Bình) cười móm mém nhân hậu khi nhiều người hỏi thăm sức khỏe.

Để đất nước thanh bình như hôm nay, mẹ đã dâng cho Tổ quốc 3 “núm ruột” của mình. Chồng con mẹ tham gia cách mạng.

Mẹ Tuyết không trực tiếp cầm súng ra chiến trường nhưng mẹ nuôi chứa cán bộ, tiếp lương thực cho bộ đội và tham gia hội phụ nữ xã kêu gọi đấu tranh chính trị chống áp bức, chống chiến tranh. Và, mẹ đã hiến hơn nửa gia tài gồm tiền, vàng, lúa... cho cách mạng vào thời điểm ấy- mùa xuân 1968.

Trong những ngày cao điểm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, Miễu Trắng (Ấp 11, xã Mỹ Lộc) và Ấp 5 (xã Hậu Lộc) thật sự trở thành một “điểm tập kết” vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men, xuồng, ghe… không chỉ của huyện Tam Bình mà còn là một điểm phục vụ hậu cần lớn của cả tỉnh. 

Những năm tháng ấy, cô Đoàn Thị Vân (65 tuổi, Ấp 5, xã Hậu Lộc- Tam Bình) là thiếu nữ tuổi trăng tròn đã biết “bưng thau, tát vũng, giăng lưới để qua mắt giặc, rồi chèo xuồng chở gạo, bánh tét cho bộ đội”.

Cô nhớ lại: “Tui lận thuốc men trong người, qua đồn giặc tui ới, “các chú ơi cho tui đi kéo đăng nghen”. Nhà chạy đò, cách mạng cần, ba má tui sẵn sàng tặng luôn “nồi cơm” là 1 vỏ lãi 50 giạ với 1 máy Kô le (Kohler) 12 luôn”.

Nhân dân trực tiếp chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh với con số vượt xa dự kiến. Nhân dân kết thành những lá chắn thép nuôi giấu, bảo vệ lực lượng vũ trang.

Các linh mục nhà thờ Chánh tòa giúp đỡ tận tình; đấu tranh không cho quân ngụy vào lùng sục, vì nơi đây là chỗ tu hành, để ngăn địch khủng bố và cướp giật tài sản của nhân dân. 

Chùa Bửu Thanh (Phường 3- TP Vĩnh Long) hiện nay đã trở thành “một trạm quân y tiền phương”. Thượng tọa Chí Thiện cho biết:

“Sư cô Trần Thị Xuyến và sư cô Nguyễn Thị Huệ tổ chức vận động các phật tử trong vùng đóng góp thuốc men, lương thực đồng thời tiếp nhận chăm sóc, cứu chữa thương binh, chăm sóc vết thương, ổn định sức khỏe và phối hợp tổ chức vận chuyển về vùng căn cứ an toàn”.

Những tấm gương điển hình, tiêu biểu về tinh thần và vật chất đóng góp cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh như: gia đình ông Nguyễn Văn Đặc (xã Bình Phước- Mang Thít) tình nguyện bán căn nhà đang ở, chia nửa số tiền bán nhà ủng hộ cho cách mạng; 

gia đình ông Phạm Văn Đực (cha của nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Phạm Văn Lực, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) hiến 100 giạ lúa; gia đình ông Sáu Thơ (xã Hòa Bình- Trà Ôn) nhà hết gạo đã chạy đi vay bằng được để đóng góp cho cách mạng 10 giạ lúa;...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm được những điều đó là nhờ có nhân dân. Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- đã khẳng định sự đúng đắn và đường lối «chiến tranh nhân dân» là sức mạnh vô tận.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo “Những đóng góp của nhân dân Vĩnh Long trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhân dân;

nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung này vào giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị, các trường THPT trên địa bàn tỉnh, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về sức mạnh đoàn kết, tinh thần cách mạng, sẵn sàng công hiến vô điều kiện về sức người, sức của phục vụ cho cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.

“50 năm qua không thể nào quên mùa xuân năm xưa. Mùa xuân 68, mùa xuân rực rỡ oai hùng…” Tiếp nối trước hào hùng của cha ông, sống trong đất nước thanh bình, thế hệ trẻ hôm nay đang tích cực vẽ nên khát vọng về một đất nước từng ngày vươn mình trong tương lai.

Toàn tỉnh có hàng ngàn thanh niên xung phong tham gia lực lượng vũ trang ở địa phương và bổ sung cho quân khu; trên 9.400 người tham gia phục vụ hậu cần, dân công hỏa tuyến, nuôi chứa cán bộ cách mạng...

Trên 8.000 gia đình đóng góp trên 126.000 giạ lúa- gạo; trên 59 triệu đồng tiền Việt Nam cộng hòa thời điểm năm 1968; 595 chỉ vàng; trên 1.500 xuồng, ghe máy...

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN