Tuyên bố báo chí của Chủ tịch Đối thoại APEC và ASEAN

Cập nhật, 11:40, Thứ Bảy, 11/11/2017 (GMT+7)

 

Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN (Ảnh: TTXVN)
Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN (Ảnh: TTXVN)

Tuyên bố báo chí của Chủ tịch Đối thoại cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN.

Ngày 10/11, nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, Đối thoại không chính thức lần đầu tiên giữa APEC và ASEAN về chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện” đã được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC 2017 đã chủ trì Đối thoại, với sự tham dự của lãnh đạo các nền kinh tế APEC và các nước thành viên ASEAN.

Cuộc Đối thoại giữa APEC và ASEAN được tổ chức với mục tiêu tạo động lực mới cho hợp tác, liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực đang ở trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bên cạnh những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại và các rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện những xu hướng tích cực và những vận hội lớn, trong đó có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  

Trên cơ sở hướng tới tầm nhìn chung về một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất tăng cường hợp tác và tính bổ trợ giữa hai cơ chế trong đối phó với những thách thức chung và xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhiều nội dung có tiềm năng hợp tác giữa hai cơ chế, bao gồm thương mại và đầu tư, kết nối toàn diện về con người, cơ sở hạ tầng và thể chế, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, toàn cầu hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu… Hai bên đã cập nhật tình hình triển khai những sáng kiến liên kết kinh tế, trong đó có  Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cuộc Đối thoại có ý nghĩa đặc biệt khi APEC chỉ còn 2 năm nữa là bước vào thập niên thứ tư và đang tích cực xây dựng tầm nhìn sau 2020. ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Với những thành công của APEC và ASEAN trong nhiều thập niên qua trong thúc đẩy hội nhập và liên kết khu vực, cả hai Diễn đàn đều được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và ASEAN hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đối thoại của Việt Nam, coi đây là minh chứng sống động cho ý chí và quyết tâm chính trị của các thành viên hai cơ chế trong xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng../.

Theo Việt Cường/VOV