Chùa Minh Sư trong tiến trình lịch sử của tỉnh Vĩnh Long

Cập nhật, 15:03, Thứ Năm, 23/11/2017 (GMT+7)

Đó là chủ đề hội thảo khoa học do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ngày 23/11 (ảnh); nhằm làm rõ một số vấn đề hình thành của Vạn Huệ Đường, thuộc hệ phái Minh Sư ở làng Tân Giai, tổng Bình Long, nay là phường 2 (TP Vĩnh Long).

Còn một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ như: tên chính xác ngôi chùa là Vạn Huê Đường hay Vạn Huệ Đường (còn gọi là Vạn Huệ Phật Đường), xác định thời gian xây chùa là năm nào trong những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XIX? Và ai là người đứng ra xây chùa?...

Tuy nhiên, hội thảo đã đi đến thống nhất cao vấn đề quan trọng là vai trò, ý nghĩa lịch sử của ngôi chùa đối với phong trào yêu nước ở tỉnh Vĩnh Long, từ trước khi có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chùa Minh Sư ở Vĩnh Long do người của dòng họ Ngô xây dựng, sau đó đã trở thành nơi kết nạp 3 thanh niên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ đó dẫn đến việc thành lập Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Ngã Tư Long Hồ, còn gọi là “Chi bộ Ngã Tư”.

Và cũng từ đó, tổ chức Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở Vĩnh Long ra đời vào tháng 8/1929, là nền tảng để tháng 2/1931, Tỉnh ủy Vĩnh Long đầu tiên được thành lập.

Hiện ngôi chùa này đã trở thành phế tích và đất xung quanh cũng không thuộc sở hữu của hậu duệ dòng họ Ngô. Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị có kế hoạch thu hồi đất, phục dựng di tích chùa Minh Sư, kết hợp dựng bia kỷ niệm.

Ông Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị: Cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề chưa thống nhất tại hội thảo; giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, có phương án tối ưu, hợp lý nhất để phục dựng ngôi chùa Minh Sư; xác định quy mô tương xứng với việc xếp hạng di tích sau này; di tích này sau khi hoàn thành sẽ do ai quản lý, cũng như nghiên cứu việc xây dựng chùa kết hợp với dựng bia.

Tin, ảnh: NGỌC TRẢNG