Phải xây dựng một nền hành chính vì dân, hướng đến người dân

Cập nhật, 05:38, Thứ Ba, 31/10/2017 (GMT+7)

Ngày 30/10/2017, trong phiên thảo luận tại hội trường việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016, đại biểu Lưu Thành Công- Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- đã có ý kiến đóng góp tại hội trường.

Vấn đề cử tri hiện nay hết sức quan tâm là một bộ máy nhà nước cồng kềnh, sử dụng một nguồn kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri.

Trong phần đánh giá, việc xác định những bất cập, hạn chế trong việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước rất rõ và phải khẳng định phần nhiều là do yếu tố chủ quan.

Đoàn giám sát xác định để xảy ra những bất cập, hạn chế, trong đó có trách nhiệm của cả Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, một số các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền địa phương và cá nhân người đứng đầu các cơ quan đơn vị.

Đề nghị làm rõ thêm vấn đề này, chúng ta không đánh giá chung mà phải làm rõ ai, ở đâu chưa kiên quyết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách hành chính Nhà nước.

Nếu chúng ta đánh giá như thế này thì 5 năm, 10 năm nữa việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta vẫn sẽ chậm như hiện nay.

Từ thực tiễn và ý kiến kiến nghị của cử tri và để góp phần làm cho việc cải cách, tổ chức bộ máy hành chính tốt hơn, thời gian tới, đề nghị việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước lần này phải xác định xây dựng nền hành chính vì dân.

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến cấp cơ sở, nơi trực tiếp với dân, nơi triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ.

Vì thế phải tính số lượng cán bộ cấp cơ sở cho phù hợp, số cán bộ này phải có đạo đức, đủ trình độ, có năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Song song đó, cần có chế độ đãi ngộ thích hợp đảm bảo cuộc sống thì cán bộ cấp cơ sở mới dành hết thời gian, tâm huyết của mình cho công việc, cho người dân. Hiện nay đời sống cán bộ cấp cơ sở gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, nền hành chính của chúng ta xây dựng hiện nay là nền hành chính hướng đến người dân. Cử tri đề nghị Chính phủ, thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian đi cơ sở về với dân để nắm bắt tình hình triển khai các chính sách của Chính phủ.

Những thuận lợi, khó khăn, bất cập, tình hình đời sống của người dân, những vướng mắc cần phải giải quyết.

Đây cũng là điều kiện để Chính phủ có cơ sở thực tiễn trong hoạch định chính sách, những chính sách ban hành sẽ gần dân, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân.

Hạn chế được tình trạng chính sách ban hành thiếu thực tiễn, không áp dụng được vào trong cuộc sống.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để phân cấp quản lý triệt để hơn cho địa phương. Về việc phân cấp này, chúng ta có nhiều văn bản quy định nhưng thực chất việc phân cấp hiện nay rất chậm.

Đề nghị Chính phủ phân định rõ phần việc nào của Trung ương, phần nào của địa phương giao thẳng cho địa phương quyết định trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.

Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý những nơi nào thực hiện sai các quy định của pháp luật, có như thế mới phát huy được tính chủ động sáng tạo của các địa phương tránh tình trạng trông chờ như hiện nay.

Đề nghị Chính phủ khi ban hành chính sách phải kèm theo nguồn lực. Hay nói cách khác, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực song hành với ban hành chính sách.

Hiện nay nhiều quyết định chính sách của Chính phủ ban hành nhưng không thực hiện được hoặc thực hiện rất chậm vì không có nguồn lực đáp ứng.

Một chính sách quan trọng liên quan đến cải cách bộ máy hành chính nhà nước là Nghị định 108. Nhiều cán bộ khi tiến hành làm thủ tục đến khi có quyết định nghỉ hưu có những trường hợp cả năm sau mới nhận được tiền hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi.

Nếu chúng ta ban hành chính sách nhưng thiếu nguồn lực, không thực hiện được hoặc chậm thực hiện thì sẽ làm mất lòng tin đối với nhân dân.

TÂM- KIỀU (ghi)