Phải cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật, 17:57, Thứ Ba, 31/10/2017 (GMT+7)

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018- 2020.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, điều hành của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành, kết quả đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đề xuất một số giải pháp cho năm 2018, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối nông sản, tránh tình trạng giải cứu nông sản;

đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản; thực hiện chế độ chính sách tinh giản biên chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền; cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực...

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tập trung giải ngân vốn thực hiện các công trình ngăn mặn, điều tiết lũ; đầu tư các công trình trọng điểm để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL;

có chính sách đồng bộ, giải pháp đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp mạnh; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản.

Trong khâu tổ chức thực hiện, đại biểu cho rằng cấp bách cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tối ưu hóa liên kết giữa các địa phương trong quản lý đất đai, nguồn nước, cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy hành chính nhà nước; giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao mức độ hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Song song đó, để phát triển bền vững, không còn con đường nào khác là phải tổ chức lại sản xuất, trong đó tích tụ ruộng đất là một nội dung rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với bảo đảm việc làm, thu nhập cho nông dân cần phải tháo gỡ ngay.  

TÂM- THI