Cần giải pháp đồng bộ phòng chống sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật, 11:13, Thứ Sáu, 13/10/2017 (GMT+7)

Do đặc điểm về địa hình, địa chất cùng với các yếu tố tác động từ thượng nguồn, từ biển và phát triển vùng đồng bằng, tác động của biến đổi khí hậu... khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.

Khu vực sông Cái Côn, ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang bị sạt lở.
Khu vực sông Cái Côn, ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, tỉnh Hậu Giang bị sạt lở.

Nhất là những khu vực tập trung dân cư như: thị xã Tân Châu, thành phố Long Xuyên (An Giang); thị xã Hồng Ngự; thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp); thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long)...

Sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng      

Từ năm 2010 trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Trong đó có 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 131km. Bao gồm, bờ sông 21 điểm với tổng chiều dài 37 km, bờ biển 19 điểm với tổng chiều dài 94 km.

Nguyên nhân cho thấy, trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc, Lào và Campuchia đã, đang và dự kiến xây dựng 19 hồ chứa. Trong đó, đã hoàn thành xây dựng 6 hồ chứa (Trung Quốc); đang xây dựng 4 hồ chứa (2 tại Trung Quốc và 2 thuộc Lào), chuẩn bị xây dựng 1 hồ chứa (Pắc-Beng, thuộc Lào). Trên các dòng nhánh sông Mê Kông đã thực hiện và có kế hoạch xây dựng tổng số 142 hồ chứa, trong đó Thái Lan đã hoàn thành 100%... Việc xây dựng các hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông đã, đang và sẽ làm gia tăng các biến động bùn cát (với tốc độ khoảng 5%/ năm từ năm 2012 trở lại đây) trên các tuyến sông và vùng ven biển, là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định lòng, bờ sông và xâm thực bờ biển.

Theo ông Lữ Cẩm Khường, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, trong những năm gần đây, diễn biến sạt lở trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp, tốc độ sạt lở mạnh và diễn ra trên diện rộng. Từ năm 2010 đến tháng 10/2017 An Giang đã xảy ra hơn 228 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 62.848 m, mất khoảng hơn 345.426 m2 đất. Ước tổng thiệt hại về đất khoảng 288,16 tỷ đồng.

Nguyên nhân được ông Khường phân tích là do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết mưa bão bất thường, chế độ dòng chảy thay đổi, hình thành các đập thuỷ điện ở thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đối bùn cát, mất cân bằng về địa hình, làm thay đổi dòng chảy. Các hoạt động kinh tế-xã hội (khai thác cát, xây nhà lấn chiếm lòng sông...) cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.        

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác cát trên sông Mê Kông đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các quốc gia, đặc biệt ở hạ lưu vực với lượng khai thác tương đương với lượng bùn cát tự nhiên. Theo báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) năm 2013, tổng lượng khai thác cát trung bình năm 2011-2012 trên toàn hệ thống sông Mê Công ước khoảng 35 triệu m3. Việc khai thác cát quá mức đã làm lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước về mùa kiệt trên các tuyến sông bị giảm; thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển.

 

Cùng với đó, phát triển dân số và cơ sở hạ tầng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Theo số liệu thống kê, năm 1999 dân số đồng bằng là 16,13 triệu người, đến hết năm 2016 là 17,66 triệu người. Diện tích xây nhà ở khu vực này mỗi năm tăng trung bình khoảng 18.000.000 m2, trong đó một phần không nhỏ dân cư sinh sống ở ven sông, kênh rạch, vùng ven biển cùng với đó là việc xây dựng mới nhà ở, cải tạo nâng cấp kiên cố hơn đã làm tăng tải trọng lên bờ sông so với trước kia, một số nơi đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trên làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Cùng với gia tăng dân số là các hoạt động sinh kế của người dân cũng ngày càng mạnh mẽ, nhất là khai thác hải sản ở vùng ven biển, không những ngăn chặn quá trình phát triển mà còn làm suy giảm rừng ngập mặn.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết: Cà Mau là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển, chịu tác động rất mạnh bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dễ bị tổn thương trước diễn biến cực đoan của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ biển ảnh hưởng rất phức tạp. Những năm gần đây, xói lở bờ biển xảy ra với mức độ và quy mô rất nhanh, một số đoạn bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng, làm mất đai rừng phòng hộ ở nhiều đoạn (từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển đã bị mất khoảng 4.064ha), nguy cơ làm vỡ đê biển Tây; đồng thời, tình hình sạt lở ven biển phía Đông cũng rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.    

"Hệ thống giao thông khu vực Đồng bằng cũng đã có những bước phát triển rõ rệt, trong giai đoạn từ 2010-2015, đã xây dựng và nâng cấp mở rộng nhiều tuyến giao thông, trong đó có nhiều đoạn bám sát bờ sông, kênh, rạch, nhất là các tuyến liên huyện, liên xã. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các tuyến đê bao, bờ bao vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng rất phát triển trong những năm gần đây đã làm thu hẹp không gian thoát lũ, gây tác động không nhỏ đến ổn định lòng dẫn, gia tăng nguy cơ gây sạt lở". Ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu vấn đề.    

Trong những năm gần đây, mực nước biển thực đo tại các trạm hải văn có xu thế tăng với tốc độ mạnh nhất là 5,58mm/năm. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mực nước dâng tại trạm Thổ Chu là 5,28 mm/năm (thời gian quan trắc từ 1995-2014) và trạm Phú Quốc là 3,40mm/năm (thời gian quan trắc từ 1986-2014). Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016 cho thấy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập chìm từ 19% - 39% nếu mực nước biển dâng thêm 1m.

Các kịch bản biến đổi khí hậu đều cho thấy lượng mưa có xu thế gia tăng về mùa mưa, giảm về mùa khô. Qua đó đã làm tăng lưu tốc dòng chảy về mùa lũ và tạo ra chênh lệch mực nước lớn hơn trước đây giữa mùa lũ và mùa kiệt cũng là những tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.

Do đồng bằng được hình thành do bồi đắp trong thời gian ngắn (đồng bằng trẻ), nền địa chất mềm yếu, khả năng chịu lực thấp dễ xảy ra sụt lún, sạt lở. Việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau thời gian gần đây đã gây ra hiện tượng lún, sụt đất trên diện rộng.

Sạt lở, bồi lắng thường xảy ra ở những đoạn sông cong, các cửa phân lưu, nhập lưu, các khu vực sông phân lạch, nơi giao thoa giữa dòng chảy trong sông và dòng triều,... là những nơi dòng chảy không ổn định. Sóng ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu bởi tác động của các đới gió mùa (gió mùa Tây Nam và gió Chướng). Gió mùa Tây Nam với hướng gió vuông góc với bờ biển Tây; gió Chướng có hướng gió vuông góc với bờ biển Đông là một trong những nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển và vùng cửa sông ven biển.

Nước biển có xu thế dâng cao, bờ biển thường xuyên bị xói lở, hạ thấp do bùn cát giảm, làm chiều cao cột nước tăng, cùng với tác động của gió làm sóng biển ngày càng cao.

Cần những giải pháp đồng bộ

"Trước diễn biến sạt lở phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, tỉnh An Giang đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác cảnh báo, phòng chống và khắc phục hậu quả sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang, qua đó chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có nguy cơ sạt lở chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn (Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Sở Tài chính) kịp thời phòng chống, khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra nhằm đảm bảo tối đa an toàn về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân" - ông Lữ Cẩm Khường nhấn mạnh.  

Trên cơ sở kết quả đo đạc, khảo sát chi tiết và đánh giá các vấn đề liên quan đến sạt lở theo định kỳ (6 tháng, 1 năm) của Sở Tài nguyên và Môi trường đã được các ngành triển khai các biện pháp phòng tránh kịp thời. Đến nay, địa phương không để xảy ra trường hợp chết người do sạt lở đất. Mặt khác, để chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành “Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang” (tại Quyết định số 2424 ngày 9/8/2017) trong đó có tính đến phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục cho từng cấp độ sạt lở, sụt lún đất do mưa, lũ và dòng chảy gây ra nhằm giúp cho các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh chủ động hơn trong công tác ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất của nhà nước và nhân dân và các hoạt động khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu về mặt lợi và hại, để người dân có ý thức bảo vệ, phòng chống sạt lở, không xây cất nhà cửa lấn chiếm bờ sông, không khai thác đất cát ven sông, di dời nhà ở đến nơi an toàn... Ban hành Quy định về vận tốc, tải trọng và hướng tuyến của tàu, thuyền phù hợp với hệ thống sông, kênh, rạch; Quy định về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ phải cách xa bờ sông, kênh, rạch tránh tải trọng động gây gia tăng sạt lở.

Đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ lập dự án khảo sát đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý sạt lở bờ sông vùng  đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tư xây dựng các công trình kè bờ sông bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng; đồng thời đầu tư xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư di dời các hộ trong vùng ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở an toàn.

Theo ông Tăng Quốc Chính, trước mắt cần giải quyết hiệu quả vấn đề mất cân bằng bùn cát trên sông, kênh rạch và vùng ven biển, lún sụt đất. Tăng cường công tác quản lý bờ sông, kênh, rạch, bờ biển giảm tác động gây xói lở theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông, đắp đê. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; xói lở bờ biển, lún sụt đất, trồng và phục hồi rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Quan trắc, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, kênh, rạch, xói lở bờ biển; lún, sụt đất; thủy, hải văn.

Đối với bờ sông cần giảm các tác động về mất cân bằng bùn cát. Bên cạnh đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hợp tác quốc tế quản lý bền vững sông Mê Kông về khai thác nguồn nước và bùn cát, đánh giá lượng bùn cát về đồng bằng sông Cửu Long.  

Đối với vùng đồng bằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát, chỉ cấp phép khai thác cát với khối lượng hợp lý đảm bảo sự cân bằng tương đối, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử phạt làm rõ trách nhiệm của các cấp. Kiểm soát việc sử dụng và khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng lún sụt đất. Quy hoach hệ thống quan trắc diễn biến xói lở bờ biển, nước biển dâng, dòng ven.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất các giải pháp thay thế cát san lấp và cát xây dựng; tiến tới không sử dụng cát để san lấp. Sử dụng hợp lý bùn cát nạo vét để san lấp, đắp đê, làm đường (khối lượng nạo vét trung bình 200 tr.m3/năm).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần  quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất vùng ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông, đê điều. Điều tra, cập nhật cơ sở dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông. Quản lý tổng hợp vùng bờ theo hình thức xã hội hoá, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển.

Chỉnh trị sông đảm bảo ổn định lòng dẫn, ổn định dòng chảy cả mùa lũ và mùa kiệt, tập trung vào sông Tiền, sông Hậu. Chỉ xây dựng công trình phòng chống sạt lở tại những phân lưu, hợp lưu, khu tập trung dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu.  

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu toàn diện về sự thay đổi lòng dẫn, dòng chảy sông Mê Kông, chế độ thuỷ văn, cân bằng bùn cát. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế xã hội hóa trong việc huy động nguồn lực, để đầu tư xây dựng và quản lý vùng ven sông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ  nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,  xác định các giải pháp phòng chống sạt lở phù hợp với từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh cũng cần thống nhất giao một đầu mối cấp phép khai thác cát trên các dòng sông. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch, cản trở dòng chảy; bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Kiểm soát, chấn chỉnh việc phá rừng cho các mục đích kinh tế, trồng rừng thay thế. Các Bộ ngành liên quan phối hợp với các tỉnh rà soát quy hoạch xây dựng  cơ sở hạ tầng vùng ven biển để hạn chế các tác động gây xói lở bờ biển.

Theo Thắng Trung (TTXVN)