BỨC TRANH KINH TẾ 2017

Nhiều gam màu sáng

Cập nhật, 18:05, Thứ Hai, 23/10/2017 (GMT+7)

Sau phiên khai kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và phương hướng 2018.

Theo đó, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, Chính phủ đã chỉ đạo theo dõi sát, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ sẽ quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề tại các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Chính phủ sẽ quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mùa vụ, ngành nghề tại các vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Tăng trưởng toàn diện các lĩnh vực

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, kết quả giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79%, ước cả năm khoảng 4%, lạm phát cơ bản khoảng 1,6%.

Tín dụng 9 tháng tăng 12%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên; thanh khoản, an toàn hệ thống được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất giảm, trong đó các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5 - 1%.

Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định; đã mua thêm hơn 6 tỷ USD, nâng mức dự trữ ngoại hối lên trên 45 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tập trung chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN), chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tăng cường kiểm soát, triệt để tiết kiệm chi; ước cả năm tổng thu NSNN tăng 2,3% so với dự toán và tăng 10,1% so với năm 2016; bội chi 3,5% GDP, bằng mức Quốc hội thông qua.

Nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm khoảng 33,4% GDP, tăng 12,6%.

Từ những kết quả trên, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41%, ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều:

Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008.  

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có được thành quả trên nhờ Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo tích cực triển khai các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5 (khóa XII); Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công và Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020, ưu tiên các dự án, công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng, y tế.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tăng cường hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản.

Việc chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi trồng khác, bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là nuôi tôm giá trị tăng khoảng 4,5 lần. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; đến nay có 38 đơn vị cấp huyện và 31,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch đề ra (31%).

Cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất

Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế hợp tác và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế hợp tác và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Mặc dù có tăng trưởng tốt trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao.

Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp; quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp.

Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường…

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2018 Chính phủ đặt ra mục tiêu là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…  

Theo đó, Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa; nâng cao hiệu quả phân tích, dự báo và ứng phó kịp thời với những biến động trong nước và quốc tế để bảo đảm ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về lao động, việc làm, NSNN, vốn đầu tư phát triển…

Song song đó, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính- NSNN ở tất cả các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, gắn với đó là rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong năm 2018.  

Một giải pháp quan trọng nữa là Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: TÂM- HUỲNH