Đẹp thêm hình ảnh bộ đội Cụ Hồ

Cập nhật, 06:38, Thứ Ba, 12/09/2017 (GMT+7)

 

Lực lượng vũ trang tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa.
Lực lượng vũ trang tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa.

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn và đổi mới nội dung, phương pháp, từ đó vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Quân với dân như “cá với nước”

Được thành lập từ tháng 8/1957, Tiểu đoàn 857 có tiền thân mang danh nghĩa liên quân giáo phái chống Mỹ- Diệm.

Trải qua 60 năm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn luôn nêu cao ý chí cách mạng quật khởi, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, lập nên những chiến công vang dội.

Nhưng, để có được những thành quả đó, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lịch sử Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, không thể không nhắc đến những ngày đầu gian khổ nhưng đầy oanh liệt và nồng đượm tình cảm giữa bộ đội và nhân dân.

Nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân nên lực lượng vũ trang đã vượt qua mọi khó khăn, ngày càng lớn mạnh.

Ngược dòng lịch sử, quay về giai đoạn mới thành lập đến tháng 10/1964, Tiểu đoàn 857 có nhiệm vụ chủ yếu là vũ trang tuyên truyền vận động đồng bào Phật giáo Hòa hảo đoàn kết cùng toàn dân đứng lên chống kẻ thù chung, diệt ác ôn, chặn bàn tay phát xít của địch, bảo vệ cách mạng và hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng;

cũng như đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, thực hành đồng khởi, đánh phá địch bình định, giải phóng nông thôn,…

Ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn 857- nhớ lại: Đây là thời kỳ tiểu đoàn gặp phải “lắm khó khăn và thử thách’”. Đảng không đủ khả năng hỗ trợ nên bộ đội hầu như dựa vào sự cưu mang của nhân dân, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiệm vụ hết sức quan trọng của tiểu đoàn lúc này là vũ trang tuyên truyền, mà trước hết là làm sao thâm nhập được vào đồng bào tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa hảo, vận động họ đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève.

Để vận động đồng bào tin tưởng cách mạng, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn mỗi người ăn chay 4 ngày, hòa nhập vào phong tục, tập quán của bà con. Dần dà, bà con cảm mến, tin tưởng nên đùm bọc, che chở cho bộ đội hoạt động.

“Có bà con làm được bao nhiêu lúa đều ủng hộ cách mạng. Bộ đội chiến đấu bị thương, bà con đưa về nhà nuôi chứa, khỏe rồi lại chiến đấu tiếp”- ông Nguyễn Ký Ức kể.

Theo ông Nguyễn Ký Ức, tuy thời điểm này tiểu đoàn không tổ chức đấu tranh vũ trang nhưng trước tình cảnh người dân bị hà hiếp bởi bọn địa chủ, tiểu đoàn đã ra tay khống chế buộc chúng phải giảm tô và hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống địch xáo canh, thu tô, cướp giật đất đai của nhân dân.

Có thể nói, dù đứng trước muôn vàn khó khăn ở thời điểm ban đầu, nhưng với ý chí cách mạng kiên cường, sự che chở hết mình của nhân dân, Tiểu đoàn 857 đã dần lớn mạnh, mở rộng vùng chiến đấu, tiến đến đấu tranh vũ trang, lập nên những chiến công vang dội, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.

Dân vận- hướng về cơ sở

Sau ngày thống nhất đất nước, dù đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng lực lượng vũ trang vẫn sát cánh cùng nhân dân tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới- xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác dân vận được xem là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị- 1 trong 3 chức năng chủ yếu của quân đội. Công tác dân vận là “nhịp cầu” giữa bộ đội với nhân dân, là cơ hội để tiếp cận với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Với phương châm “Nghe dân nói, nói dân nghe, làm dân tin” và thực hiện phong cách dân vận của Bác Hồ là “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đã tổ chức nhiều đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp giúp dân và vận động quần chúng.

Đây vừa là nhiệm vụ, vừa thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình hôm nay. Mỗi năm có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân đến tận các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến, vùng đồng bào có đạo… để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.

Không khó bắt gặp màu xanh áo lính ở những công trường sửa chữa đường, xây cầu, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khám và cấp thuốc miễn phí cho gia đình diện chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn,…

Nổi bật là thông qua chương trình Tết quân- dân, bộ đội có dịp “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân, để người dân hiểu thêm về truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống “Trung thành, đoàn kết, bám trụ, anh dũng, chiến thắng” của lực lượng vũ trang tỉnh.

Đây cũng là dịp lực lượng vũ trang thực hiện các chính sách hậu phương quân đội, đền ơn đáp nghĩa.

Hành quân dã ngoại, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân là việc làm thường xuyên của bộ đội, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân.
Hành quân dã ngoại, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân là việc làm thường xuyên của bộ đội, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân.

Bên cạnh những việc làm thiết thực trên, hàng năm, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với các ngành và địa phương để tổ chức các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là vận động thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về dự bị động viên và quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Đồng thời, đưa vào nghị quyết lãnh đạo đối với lực lượng thường trực các cơ quan, đơn vị phải có thời gian cơ động để làm công tác vận động quần chúng và lao động giúp dân.

Thượng tá Phạm Đắc Nghiệp- Trưởng Ban Dân vận thuộc Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Quân sự)- cho biết, với phương châm hướng về cơ sở, lực lượng vũ trang đã tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

“Để làm tốt công tác vận động quần chúng, bộ đội phải hiểu được người dân mong muốn gì. Bản thân người làm công tác dân vận phải có trình độ, năng lực, khả năng tuyên truyền, kiên trì thì mới được người dân tin tưởng. Nhờ vậy nên màu xanh áo lính luôn in đậm trong lòng nhân dân. Khi người dân cần đến bộ đội, chúng tôi sẵn sàng lên đường đến tận vùng sâu, vùng xa phục vụ bà con”- Thượng tá Phạm Đắc Nghiệp nói.

 

Từ năm 2003 đến nay, các cơ quan và đơn vị lực lượng vũ trang đã kết hợp các địa phương đóng góp xây dựng trên 1.500 căn nhà cho bà con gặp khó khăn và trên 2.700 căn nhà cho đồng bào Khmer. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực đóng góp hàng tỷ đồng vào quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì người nghèo, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai…

  • Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH