Bàn giải pháp quản lý thị trường phân bón

Cập nhật, 08:58, Thứ Năm, 10/08/2017 (GMT+7)

Theo TTXVN, tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và quỹ Chống hàng giả Việt Nam tổ chức vào chiều 9/8/2017, phần lớn các diễn giả đều khẳng định, thời gian qua, việc quản lý thị trường phân bón trong nước còn nhiều lỏng lẻo, bất cập khiến tình hình phân bón giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực cũng như sức khỏe của nhân dân, tác động xấu đến môi trường, môi sinh.

Phản ánh thực trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường, ông Nguyễn Hạc Thúy- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Phân bón Việt Nam- cho biết: Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa có báo cáo về tình trạng phân bón giả năm sau lại cao hơn năm trước.

Năm 2015 có trên 4.000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là trên 5.000 vụ vi phạm; trong đó, nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật còn nhiều kẽ hở.

Theo ông, điểm tồn tại lớn nhất hiện nay của tình trạng này là lợi ích nhóm nên cần phải xử lý theo pháp luật và quy trách nhiệm tới từng cá nhân, cơ sở sản xuất hoặc đơn vị cấp phép.

Theo quan điểm của doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp- PTNT cần sớm ban hành những công cụ để kiểm soát và thống kê xem có bao nhiêu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phân bón trên toàn thị trường Việt Nam; có bao nhiêu nhãn mác phân bón được sản xuất và lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch- Đầu tư cần có quy định ngành phân bón là ngành kinh doanh có điều kiện. Mỗi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải có vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên (hiện chỉ cần có 500 triệu đồng) và cả nước chỉ cần 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón là đủ.

PV