Sổ tay

Giật mình nghe chuyện học Văn

Cập nhật, 08:02, Thứ Năm, 20/07/2017 (GMT+7)

Việc dạy môn Văn sao cho hấp dẫn, khơi gợi hứng thú của người học dường như trở nên hiếm có và “xa xỉ” trong giai đoạn hiện nay. Khi mà những ý tưởng mới, cách làm mới dường như không đạt điểm cao bằng cách học thuộc bài văn mẫu.

Tình cờ tôi xem điểm thi lớp 10 THPT năm nay tại một trường phổ thông, có nhiều học sinh điểm trung bình, thậm chí dưới trung bình môn Ngữ văn. Những con số 7, 8 điểm có thể đếm được bằng đầu ngón tay.

Tại sao vậy? Học sinh mình chê môn Ngữ văn rồi ư, các em quay lưng với môn học này hay tại giáo viên chưa khơi nguồn cho các em yêu nó? Trước hàng loạt câu hỏi tôi đặt ra cho thầy hiệu trưởng, thầy cười buồn nói “mấy em nó học văn mẫu không nổi!”

Cũng theo nhiều giáo viên và học sinh, muốn đạt điểm cao môn Ngữ văn không cách nào hay hơn, nhanh hơn là học thuộc lòng văn mẫu, vì đáp án cũng dựa trên đó mà ra!

Tôi cũng mới nghe câu chuyện về một giáo viên có danh hiệu, chuyên đọc văn mẫu cho học sinh mình chép. Liệu đó có phải là “bí quyết” để học sinh có điểm cao môn Ngữ văn?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những thế hệ học trò chỉ biết có bài văn mẫu? Có hứng thú gì khi chấm những bài thi, bài kiểm tra na ná nhau về câu từ, ý kiến không?

Xin đừng áp đặt hay dạy môn Ngữ văn theo cái khuôn mẫu đáp án như các môn tự nhiên. Học văn cũng là học cách làm người, hãy để cho học sinh được tư duy, sáng tạo hiểu vấn đề và phân tích nó theo ý kiến các em, dựa trên một “khung sườn” rộng rãi.

Theo cá nhân tôi, Ngữ văn là một môn học “mở”: mở rộng kiến thức, đề tài, tư duy… do đó chấm điểm cũng phải “mở” để cho các em đột phá. Đừng để môn học này trở thành rập khuôn, máy móc!

CHI LINH