Bình Minh của một thời kháng chiến

Cập nhật, 14:34, Thứ Tư, 12/07/2017 (GMT+7)

Bình Minh xưa- bao gồm huyện Bình Tân và TX Bình Minh ngày nay, là thế đất đặc biệt nên xuyên suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trở thành trận địa “co kéo” giữa ta và địch.

Cũng từ đây, đã hình thành nên những vùng căn cứ nổi tiếng, nơi sản sinh ra những chiến sĩ gan dạ, đánh giặc sáng tạo trên mọi cấp độ quân chủ lực, du kích địa phương, lẫn những con người thầm lặng trong đội ngũ Liên minh giáo phái chống Mỹ- Diệm của thời kỳ đầu đình chiến.

Chú Ba Kềnh.
Chú Ba Kềnh.

Chuyện của chú Ba Kềnh

Chú Võ Văn Ba (72 tuổi) có biệt danh Ba Kềnh mà thời du kích xứ Đông Thành ngày xưa nhắc đến ai ai cũng biết, bởi dáng người to lớn kềnh càng, giọng nói sang sảng nhưng lại hiền khô.

Chú kể chuyện kháng chiến, chuyện tử sinh nghe cứ như chuyện cà rỡn, tiếu lâm Nam Bộ, bởi vậy mà hồi đó đi tới đâu là mấy cô “bu rần rần”.

Ba Kềnh mà đi công tác xa là ở nhà không khí buồn hiu, mấy cô, mấy chị cứ trông đứng, trông ngồi.

Mấy anh còn nói đùa: “Mấy đứa con gái sao nó lo cho mầy quá vậy Ba Kềnh? Có đứa nào thương mầy hông vậy, nói thiệt nghe!” Ba Kềnh nhảy dựng: “Hông giỡn à nghen, tình đồng đội, đồng chí chiến đấu, hông có chuyện trai gái ở đây nghen!”

Vào du kích Đông Thành năm 17 tuổi, một năm sau Ba Kềnh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Năm 20 tuổi, nói câu bâng quơ “chê” cấp trên đánh giặc dở ẹc, vậy mà lại được lãnh đạo chú ý rồi giao cho chức xã đội trưởng: “Ta nói, nhận lệnh mà run mình, chớ giỡn chơi à”- Ba Kềnh cười khà khà. Nói chuyện tếu táo cho vui, nhưng đêm về nằm trăn trở nghĩ phải “mở hàng” một trận cho ngon lành hông thôi mắc cỡ chết.

Đó là trận đánh rất lạ đời vì hổng theo “binh pháp” thông thường, trận đó trả giá đắt là hy sinh một xã đội phó. Ba Kềnh bị thương lội qua sông Mỹ Hòa mượn xuồng trở ngược qua mang xác đồng đội về.

Nhưng, trận đó góp thêm một cách đánh mới gây bất ngờ cho địch, đánh “tốc” từ mé sông lên trong điều kiện địa hình cụ thể.

Thời chiến tranh khó khăn thiếu thốn đủ bề, nhưng khi cần thì hổng biết sức mạnh ở đâu trỗi dậy phi thường. Có mấy câu chuyện cười mà cảm động về đồng đội và chú Ba Kềnh không thể nào quên.

Nhớ cái lần đưa vỏ tắc ráng qua lộ, chú Ba Kềnh lại cười khà khà: “Ta nói 4- 5 đứa ạch đụi đẩy chiếc tắc ráng lên bờ mắc chết. Bất thình lình phát hiện xe nồi đồng tụi địch từ Vĩnh Long đổ xuống, mọi người la: “Bươu, xe tới!”

Lúc đó, Sáu Bươu chỉ có một mình trên bờ, nhưng trời ơi, một mình Sáu Bươu nó lôi chiếc tắc ráng đi te te, qua tới bờ bên kia nó ngã ngang, người ta nói là “rách chảng vừng” sau này phải đi phẫu thuật lại mới đi đứng đàng hoàng, trận đó tưởng nó hổng có con luôn đó chớ”.

Còn cái trận ở cầu Cái Cam năm 1968, chú Ba nhớ lại: “Thấy cái ụ phòng vệ dân sự có mấy thằng cũng ngon ăn, bàn với anh Năm Tùng hỏi “chơi hông?”

Ảnh gật đầu, hợp đồng vỗ cho nó mấy phát, tụi nó bỏ chạy re. Khi vô thấy cái máy phát điện của Nhật có cả cái mô- tơ ngon quá, hỏi anh Năm vác về xài chơi. Anh Năm Tùng trợn mắt: “Giỡn hả Ba Kềnh, làm sao khiêng nổi?” “Thì anh đồng ý đi, còn khiêng sao, chút tui... khắc phục”.

Phát cái, tụi trực thăng ở đằng sân bay đảo tới, tui la lên: “Anh Năm, trực thăng”, vậy là một mình ảnh ôm cái máy phát điện có cả cái mô- tơ nhào xuống mương bùn ngập gần tới háng, rề lên xuồng đẩy miết một mình. Còn tui chạy trên bờ, chừng vô tới xẻo dừa nước thì Năm Tùng gục luôn”. Trận đó, Năm Tùng chửi Ba Kềnh như tát nước: “Mầy chơi tao hả Ba Kềnh…?”

Chuyện kháng chiến “người thật, việc thật” thì Ba Kềnh kể không hết mà nghe cứ như chuyện tiếu lâm vậy.

Biết bao nhiêu lần vào sinh ra tử gắn bó với chiến trường này, nhưng tự nhận mình chỉ là lớp hậu bối, vì vùng đất này còn rất nhiều những đảng viên, chiến sĩ thuộc hàng cha chú như: Hai Trầu, Ba Cư, Hai Già, Chín Già... Thậm chí có người tham gia từ thời tiền khởi nghĩa.

Vùng đất bề dày lịch sử kháng chiến

Về tới đầu ấp Hóa Thành (xã Đông Thành), hỏi nhà bác Hai Trầu thì ai cũng biết. Giờ đây ở tuổi gần 90, ông hầu như không nghe được gì. Có điều ngồi nhắc du kích Đông Thành thì ông cứ rỉ rả nói hoài không hết chuyện, dù rằng khi nhớ khi quên...

Du kích Đông Thành ngày xưa nổi danh đánh giặc vì bao trùm cả một vùng rộng lớn gồm cả 3 xã ngày nay của TX Bình Minh là: Đông Thành, Đông Thạnh và Đông Bình, địa bàn có nhiều bà con đồng bào Khmer.

Du kích thuở ban đầu có gì trong tay đâu, chỉ là gậy gộc, dao lê, lưỡi mác... Còn súng ngắn, súng dài chỉ là... nghe nói thôi, dần dần cướp được vũ khí của giặc mà đánh giặc.

Bác Hai Trầu còn nhớ, chỉ một quả lựu đạn bà con Khmer lượm được của thằng Tây, du kích xã để dành hổng dám xài đeo miết mà mòn cả chữ, mà cũng hổng biết nó tác dụng ra sao nữa.

Cho đến khi đồn thằng Kim Luộc mổ bò ăn nhậu mấy ngày, Hai Trầu- lúc đó là Xã đội trưởng- mới bàn với lãnh đạo xã đi mượn 2 cây súng ở Ngãi Tứ về kết hợp với trái lựu đạn, vậy mà đánh bứt cái đồn. Lần đầu tiên thấy trái lựu đạn nó nổ bựng khói, lửa lên thấy sợ. Và, đó cũng là lần đầu tiên du kích Đông Thành biết đánh giặc bằng vũ khí “thứ thiệt”.

Bác Hai Trầu (Nguyễn Hảo) ở xã Đông Thành (TX Bình Minh).
Bác Hai Trầu (Nguyễn Hảo) ở xã Đông Thành (TX Bình Minh).

Bác Hai Trầu nhắc đến những bậc cao niên như ông Hai Già, trong đó ông Chín Già tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa. Ông Chín Già tên thật là Võ Văn Chín- cha ruột của chú Ba Kềnh.

Câu chuyện đi xác minh hoạt động tiền khởi nghĩa cho ông vô cùng khó khăn vì có ai biết đâu mà xác nhận. “Đó là câu chuyện dài như một duyên may. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Tư Cẩn mà ba tôi mới được công nhận”- chú Ba Kềnh hẹn dịp khác sẽ trở lại câu chuyện thú vị này.

Nhắc nhớ đến nhiều lớp người để cùng thấy rõ hơn bề dày lịch sử đấu tranh, truyền thống cách mạng của vùng đất Bình Minh, cũng là để khơi gợi một ý thức góp nhặt những câu chuyện, những nhân vật của một thời kháng chiến, mà trong đó nhiều con người có những đóng góp thầm lặng chưa được biết đến một cách trọn vẹn. Đó là trách nhiệm và cũng là sự tri ân sâu sắc đối với các bậc cha anh đã góp phần làm nên thành quả cách mạng to lớn như ngày nay.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG