Từ 1/6/2017, Luật Trẻ em được thi hành với nhiều điểm mới

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 01/06/2017 (GMT+7)

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh chú trọng.

Từ ngày 1/6/2017, Luật Trẻ em năm 2016 chính thức có hiệu lực sẽ bổ sung nhiều nội dung mới, phạm vi của luật cũng được mở rộng, nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn.

Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Thanh Tuyền- Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em- Bình đẳng giới (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) xoay quanh vấn đề này.

* Xin bà cho biết một số điểm mới của Luật Trẻ em năm 2016 so với luật trước đây?

- Luật Trẻ em năm 2016- thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, đối tượng của luật được mở rộng hơn- trẻ em không chỉ là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi mà còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài, người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.

Luật Trẻ em bổ sung các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tháng hành động vì trẻ em (tháng 6 hàng năm) cũng được quy định trong luật để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Luật còn dành một chương để quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng.

Để cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Luật Trẻ em mở rộng quyền của trẻ em từ 10 quyền lên 25 quyền. Trong đó, nổi bật là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, quy định cụ thể về các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp);…

Bên cạnh đó, Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.

Về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, luật quy định: cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

* Với những hành vi vi phạm Luật Trẻ em, sẽ chịu chế tài xử phạt ra sao, thưa bà?

- Luật Trẻ em chỉ quy định 15 hành vi bị nghiêm cấm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em chứ không quy định về chế tài để xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, nếu vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, Luật Trẻ em cần được tuyên truyền phổ biến đến người dân. Nhất là các bậc cha mẹ, nhằm nâng cao nhận thức, tránh những thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Trong phạm vi gia đình, cha mẹ cần bảo đảm những quyền trẻ em mà luật đã quy định.

* Trong phạm vi gia đình, theo bà, đâu là những thói quen không tốt mà các phụ huynh cần khắc phục trong việc nuôi dạy con cái?

- Cha mẹ là nhân tố vô cùng quan trọng để nuôi dạy con cái một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân chưa được nâng cao, còn không ít phụ huynh vẫn duy trì thói quen không tốt trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, những điều tưởng như bình thường nhưng lại là hành vi bị nghiêm cấm khi Luật Trẻ em được thi hành.

Dễ thấy nhất là việc cha mẹ dạy con bằng đòn roi, gây tổn hại sức khỏe, hay vì muốn dỗ dành trẻ nên cho các em sử dụng điện thoại thông minh quá sớm. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Ngoài ra, luật còn nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của trẻ.

Có thể những gì đăng trên mạng xã hội được nhiều người thích, khen tặng, nhưng đã vi phạm quyền “Bí mật đời sống riêng tư” của trẻ.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh thường cho rằng con mình còn nhỏ không biết gì nên không tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, ý kiến. Từ đó, luôn đưa ra những quan điểm của mình để áp đặt cho những chuyện của con cái. Điều này đã vi phạm vào “Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp” của trẻ.

* Bà có thông điệp gì muốn gửi đến những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng như chấp hành nghiêm những quy định của Luật Trẻ em?

- “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”- thông điệp này nhắn nhủ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em rất cần sự chung tay và quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội, với mong muốn tất cả trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em càng đặt ra nhiều thách thức.

Chính vì thế, đòi hỏi những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải hội đủ các điều kiện liên quan đến quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, những hiểu biết về các quyền trẻ em và kỹ năng chăm sóc trẻ em.

Chúng ta phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Có như thế, trẻ em mới được bảo vệ, chăm sóc và phát triển toàn diện.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.

PHẠM PHONG (Thực hiện)