Sau các vụ học viên cai nghiện trốn trại

Sẽ tạo điều kiện tốt để học viên cai nghiện

Cập nhật, 05:20, Thứ Ba, 27/06/2017 (GMT+7)

Vụ việc nhiều học viên tại Trung tâm Điều trị nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức trốn trại cho thấy nhiều bất cập trong việc quản lý và ý thức chấp hành quy định của các học viên.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với các học viên vào ngày 23/6, nhiều thắc mắc đã được trình bày và giải đáp thỏa đáng, với mong muốn tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ giữa học viên và người quản lý.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, lãnh đạo Sở LĐ, TB và XH, Trung tâm Điều trị nghiện ma túy trao đổi xung quanh các quy định về cai nghiện bắt buộc, điều kiện sinh hoạt mà học viên thắc mắc.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, lãnh đạo Sở LĐ, TB và XH, Trung tâm Điều trị nghiện ma túy trao đổi xung quanh các quy định về cai nghiện bắt buộc, điều kiện sinh hoạt mà học viên thắc mắc.

Học viên và người quản lý “chưa tìm thấy nhau”

Sau liên tiếp 2 vụ học viên bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện, đã bộc lộ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do một số học viên mới vào chưa hòa nhập được môi trường và nội quy sinh hoạt nên xúi giục các học viên khác cùng tham gia bỏ trốn.

Bên cạnh, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và lực lượng bảo vệ của trung tâm chưa nắm rõ những tâm tư, nguyện vọng của học viên dẫn đến những bức xúc không đáng có.

Do đó, buổi gặp gỡ, đối thoại với các học viên đang được quản lý, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục và dạy nghề tại trung tâm là dịp để những người quản lý lắng nghe ý kiến từ các học viên, kịp thời tháo gỡ những bất cập trong thời gian qua.

Hầu hết học viên đều tỏ ra bức xúc và thắc mắc xung quanh các quy định về cai nghiện bắt buộc, điều kiện ăn, ở và thời gian vui chơi giải trí…

Không khí vì vậy có phần căng thẳng, một số học viên có thái độ hằn học, la ó, gây mất trật tự khiến ban tổ chức nhiều lần nhắc nhở.

Cũng như nhiều học viên khác, học viên Đặng Phú Q. (Mang Thít) nêu thắc mắc không hiểu vì sao “có nhà cửa đàng hoàng mà lại bị bắt vào trung tâm”.

Ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội giải thích, dù học viên có nhà nhưng không ở hoặc ở không thường xuyên, đã được xác định tình trạng nghiện và có quyết định của tòa án thì bị đưa vào trung tâm theo diện cai nghiện bắt buộc.

Ông cũng giải thích quá trình lập hồ sơ đưa học viên vào trung tâm đều thực hiện theo trình tự, đúng quy định pháp luật và những thắc mắc phát sinh trong thời gian qua là do học viên chưa hiểu hết vấn đề.

“Học viên cũng nên hiểu rằng khi vào trung tâm không phải là tội, mà là để điều trị bệnh. Vậy nên học viên phải nghiêm túc chấp hành quy định, đoạn tuyệt với ma túy để sớm tái hòa nhập cộng đồng”- ông Võ Văn Tám nói.

Ông cũng khuyến cáo các học viên nếu có vấn đề bức xúc nên đăng ký với cán bộ xin gặp lãnh đạo trung tâm với tinh thần hòa nhã và hợp tác, không nên kích động phá hoại tài sản và trốn khỏi trung tâm, vì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học viên cai nghiện

Tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV rất cao do dùng chung bơm kim tiêm hay quan hệ tình dục không an toàn. Ảnh: TRẦN NHÀNH (Tam Bình)
Tiêm chích ma túy có nguy cơ nhiễm HIV rất cao do dùng chung bơm kim tiêm hay quan hệ tình dục không an toàn. Ảnh: TRẦN NHÀNH (Tam Bình)

Theo ông Nguyễn Văn Tiến- Giám đốc Trung tâm Điều trị nghiện ma túy, hiện trung tâm đang tiếp nhận quản lý 166 học viên, thuộc nhiều thành phần khác nhau, không nghề nghiệp ổn định, ngày càng trẻ hóa và hầu hết có tiền án, tiền sự.

Khi bị bắt vào trung tâm, những đối tượng này thường mang tư tưởng không ổn định, bản tính rất manh động, liều lĩnh và luôn tìm cách bỏ trốn nên việc quản lý không hề đơn giản.

Do đó, tình hình an ninh trật tự tại trung tâm trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp.

Từ đầu tháng 6 đến nay, đã xảy ra các vụ đục tường, đánh nhau, cất giấu sử dụng điện thoại di động trong nội trại, tổ chức đánh bài tự chế,...

Giải pháp trước mắt được đưa ra tại buổi làm việc mới đây với Trung tâm Điều trị nghiện ma túy, ông Trần Văn Khái- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Giám đốc Trung tâm Điều trị nghiện ma túy tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý và phục vụ các học viên; đầu tư các lớp đào tạo ngắn hạn cho cán bộ của trung tâm về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng giao tiếp, tạo sự đồng cảm cho các học viên; tăng cường sự phối hợp giữa trung tâm, gia đình và học viên để tạo mối liên hệ chặt chẽ trong quản lý và điều trị; bố trí lại thời gian vui chơi, giải trí và học nghề hợp lý cho học viên, hạn chế những thời gian trống khiến học viên dễ lay động
tư tưởng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, những học viên khi mới vào trung tâm sẽ được tư vấn học nghề và hiện có 25 học viên đang theo học lớp sửa xe gắn máy, điện dân dụng theo chương trình liên kết giữa trung tâm và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Tam Bình.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với các học viên, ông Võ Văn Tám cho biết, dự án nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình của trung tâm cai nghiện sẽ được khởi công vào đầu năm 2018.

Một số hạng mục mới như khu tập thể hình, xông hơi, trị liệu… dự kiến sẽ đưa vào hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu điều trị của các học viên.

Ngày 8/6/2017, 15 học viên của Trung tâm Điều trị nghiện đập cửa trốn thoát khỏi trung tâm.

Tiếp đến, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 16/6, bằng hành vi tương tự, 17 học viên khác cũng trốn thoát. Đến ngày 26/6, cơ quan chức năng đã tìm bắt và vận động được 22 học viên quay lại trung tâm. Riêng đối tượng Thạch Ngọc Bảo (SN 1997, xã An Phước- Mang Thít) sau khi bỏ trốn khỏi trung tâm đã dùng dao tự đâm nhiều nhát gây thương tích nặng và tử vong sau đó, như vậy hiện vẫn còn 9 học viên bỏ trốn.

Trong tuần này, cán bộ Trung tâm Điều trị nghiện ma túy sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nơi những học viên này cư trú gặp gỡ từng gia đình, vận động học viên quay lại trung tâm.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH