Người "chích thuốc cho cam"- không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị xử lý

Cập nhật, 17:02, Thứ Bảy, 13/05/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, người trồng cam ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bị một số người gạ mời chích thuốc cho cam để trị bệnh vàng lá.

Ông Trần Văn Thắng (ở Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) tiếc nuối những cây cam ngày nào còn xanh, trái xum xuê, sau khi bơm thuốc thì phải cưa bỏ, bây giờ chỉ còn lại gốc.
Ông Trần Văn Thắng (ở Gò Tranh, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) tiếc nuối những cây cam ngày nào còn xanh, trái xum xuê, sau khi bơm thuốc thì phải cưa bỏ, bây giờ chỉ còn lại gốc.

Tuy nhiên, việc làm này không hiệu quả, gây chết cây sau khi bơm thuốc chỉ trong vòng 1- 2 tháng. Nhiều nhà vườn đã mất tiền trả cho người bơm thuốc mà còn bị thiệt hại vườn cam.

Báo Vĩnh Long đã có bài viết “Chích thuốc cho cam- tiền mất, tức mang!” của tác giả Hùng Hậu. Qua đó, cảnh báo người dân không thực hiện biện pháp này, vì làm cây chết nhanh chóng và thiệt hại mùa màng.

Qua phản ánh của Báo Vĩnh Long và nông dân, TS. Huỳnh Kim Định- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT- đi kiểm tra thực tế các vườn cam đã bị bơm thuốc.

Chi cục đã kết luận và ra Công văn số 29/CCTT- BVTV, về việc kiểm tra, giám sát hành vi trừ bệnh cây trồng bằng biện pháp tiêm chích, truyền dịch vào thân cây gửi đến phòng nông nghiệp- PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TX Bình Minh, TP Vĩnh Long nhằm ngăn chặn người gạ gẫm bơm thuốc vào thân cây trị bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân không thực hiện cách làm này.

Công văn nêu rõ: Trong tháng vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long nhận được phản ánh của bà con nông dân về một số cá nhân đến vùng sản xuất tập trung cây có múi quảng cáo thuốc trị bệnh vàng lá cho cây cam, bưởi.

Gốc cam bị khoan một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm, sau đó họ dùng ống chích rút dung dịch rồi lấy một đoạn ruột xe dài hơn 20cm có đục lỗ ở 2 đầu mắc vào ống chích và đặt ống thuốc vào vị trí đã khoan.
Gốc cam bị khoan một lỗ sâu khoảng 2cm, cách mặt đất khoảng 10cm, sau đó họ dùng ống chích rút dung dịch rồi lấy một đoạn ruột xe dài hơn 20cm có đục lỗ ở 2 đầu mắc vào ống chích và đặt ống thuốc vào vị trí đã khoan.

Kết quả theo dõi, tìm hiểu thì cá nhân đang thực hiện điều trị bệnh cho cây không có bằng cấp chuyên môn về trồng trọt và BVTV, sử dụng thuốc không có nhãn mác và bơm thuốc trực tiếp vào thân cây cam, bưởi.

Đây là một biện pháp không mang lại hiệu quả trong công tác phòng, trị; gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và là một hoạt động hành nghề vi phạm quy định pháp luật về BVTV.

Qua đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị phòng nông nghiệp- PTNT các huyện, Phòng Kinh tế TX Bình Minh, TP Vĩnh Long phối hợp chỉ đạo các trạm trồng trọt và BVTV, cộng tác viên xã- phường- thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và cảnh báo đến bà con nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về BVTV.

TS. Huỳnh Kim Định cho biết, qua kiểm tra, phát hiện có người đi phát tờ rơi giới thiệu cách trị bệnh vàng lá cam bằng cách bơm thuốc, không thông qua cơ quan chức năng địa phương, không có chứng chỉ hành nghề, thuốc không nhãn mác.

Đoàn đã nhắc nhở họ không tiếp tục hành vi gạ gẫm bơm vào cây, nếu tái phạm sẽ xử lý theo pháp luật hiện hành.

Qua kiểm tra, khu vực địa bàn huyện Trà Ôn có vài hộ thực hiện chích thuốc cam; địa bàn huyện Tam Bình gần như không có, do Tam Bình có HTX Cam sành Tam Bình, nên Phòng Nông nghiệp- PTNT đã thông báo cho HTX và xã viên, cũng như bà con nông dân không bơm.

Ông Lê Văn Trung- Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi- người chuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, rau màu cho nông dân cũng thông tin thêm:

Vào ngày 10/5/2017, những vườn cam đã bơm thuốc ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã bắt đầu có dấu hiệu chết. Lúc đầu mới bơm thuốc, cây búng lá non, nhưng sau 2- 3 tháng thì chựng lại rồi rụng lá và chết.

“BVTV là ngành nghề có điều kiện. Người hành nghề phải có tập huấn, có chứng chỉ. Thuốc BVTV phải có trong danh mục được phép lưu hành sử dụng.

Người thực hiện hành nghề BVTV không có chứng chỉ, không thông qua cơ quan chức năng địa phương, sẽ bị xử lý theo pháp luật. Qua đó, bà con nông dân cũng không nên nghe theo sự gạ gẫm của những người không có chứng chỉ nghề, họ sử dụng thuốc không có nhãn mác, khi thiệt hại thì chỉ nông dân chịu.

Đừng để mất tiền oan uổng và còn có thể kéo theo những hệ lụy khác về sau”- TS. Huỳnh Kim Định nhắn nhủ bà con nông dân.

* Thông tư số 48/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Người trực tiếp làm dịch vụ tư vấn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học; người trực tiếp làm dịch vụ phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về BVTV theo quy định tại Điều 6 thông tư này.

2. Khi thực hiện hoạt động dịch vụ BVTV phải có sổ ghi chép, theo dõi nội dung liên quan đến hoạt động của người thực hiện và người sử dụng dịch vụ; trang thiết bị, dụng cụ phù hợp với hoạt động như dụng cụ phát hiện sinh vật gây hại (đối với hoạt động tư vấn phòng chống sinh vật gây hại thực vật) hoặc dụng cụ phun rải thuốc, bẫy bả, dụng cụ bắt, diệt sinh vật gây hại thực vật, bảo hộ lao động (đối với hoạt động phòng chống sinh vật gây hại thực vật).

3. Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng để có thể liên hệ khi cần thiết. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ BVTV cần có một trong những giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhà gắn liền với đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; hợp đồng thuê nhà hợp pháp có thời hạn tối thiểu là 1 năm hoặc sổ hộ khẩu (đối với cá nhân).

4. Được sự đồng ý của UBND xã- phường- thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) nơi tổ chức, cá nhân có địa chỉ giao dịch hợp pháp.

* Nghị định 31/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Điều 19 và Điều 26 quy định:

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000- 500.000đ đối với hành vi vi phạm người trực tiếp làm dịch vụ BVTV không có trình độ chuyên môn về BVTV theo quy định của pháp luật.

+ Phạt tiền từ 500.000- 1.500.000đ đối với hoạt động dịch vụ BVTV không có văn bản đồng ý của UBND cấp xã.

+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000- 500.000đ đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;

+ Phạt tiền từ 1.000.000- 2.000.000đ đối với hành vi sử dụng thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam;

+ Phạt tiền từ 2.000.000- 3.000.000đ đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc BVTV không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm.

+ Phạt tiền từ 3.000.000- 5.000.000đ đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU