Cần quy định việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo khách quan

Cập nhật, 18:40, Thứ Bảy, 27/05/2017 (GMT+7)

Chiều 26/5/2017, các Đoàn đại biểu Quốc hội chia tổ thảo luận dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Lưu Thành Công, đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã có những ý kiến đóng góp về các vấn đề trên. Theo đại biểu Lưu Thành Công, tại điều 3 về nguyên tắc xử lý nợ xấu cần bổ sung nguyên tắc “khách quan” sau cụm từ “bảo đảm”.

Vì đây là một nguyên tắc rất cần thiết để bảo đảm cho quá trình xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được khách quan và cũng để bảo đảm tính kế thừa của các văn bản pháp luật trước đây.

Tại khoản 4, điều 7 cần bổ sung thêm tại điểm c “Trường hợp tổ chức tín dụng, ngân hàng chi nhánh nước ngoài đã gởi thông báo cho bên bảo đảm theo điểm a, b nêu trên mà bên bảo đảm cố tình bỏ trốn thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gởi thông báo thu giữ tài sản đến UBND xã phường nơi bên bảo đảm có hộ khẩu thường trú.

Lý do trong thực tế qua quá trình xử lý nợ xấu đã phát sinh rất nhiều trường hợp bên bảo đảm cố tình lẫn tránh, bỏ trốn.

Ngoài ra, tại điều 14 cần ấn định thời gian cụ thể, theo đó trường hợp tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự thì sau khi hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ hoặc trong thời hạn tối đa không quá 120 ngày kể từ ngày cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ vật chứng thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả tài sản bảo đảm. 

Tin, ảnh: TÂM- THI