Cần giải pháp đột phá ứng phó xâm nhập mặn

Kỳ cuối: Cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp

Cập nhật, 14:45, Thứ Tư, 17/05/2017 (GMT+7)

Kịch bản này nhất thiết phải được xây dựng trên cơ sở thông tin dự báo, quan trắc dữ liệu. Ông Trần Hữu Tín- nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh cho rằng, biến đổi khí hậu (BĐKH) dù có bất thường đến đâu thì nó cũng vận hành theo một quy luật nào đó. Muốn ứng phó hiệu quả, chúng ta phải tìm cho ra quy luật bất thường này.

Nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) ứng phó xâm nhập mặn với sáng kiến trữ nước ngọt trong túi nilon.
Nhà vườn ở xã Thanh Bình (Vũng Liêm) ứng phó xâm nhập mặn với sáng kiến trữ nước ngọt trong túi nilon.

Thiếu dữ liệu quan trắc, dự báo sẽ như “thầy bói xem voi”!

Muốn cảnh báo sớm để người dân chủ động ứng phó với BĐKH, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn hiệu quả hơn, thì việc tìm ra quy luật biến đổi mang tính quyết định.

Thực tế cho thấy, một số tỉnh lân cận Vĩnh Long, người dân có thể sống chung với mặn một cách hiệu quả. Trong khi người dân tại Vĩnh Long luôn ứng phó với xâm nhập mặn một cách bị động, mặc dù mặn không đến quá bất ngờ.

Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Hữu Tín cho rằng, chừng nào ta chưa tìm ra quy luật của BĐKH, cơ chế xâm nhập mặn thì cơ quan chuyên môn không thể đưa ra dự báo chính xác, có chăng thì cũng như “thầy bói xem voi”, và người dân tiếp tục lúng túng trong việc ứng phó.

Đối với những tỉnh đã thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn như Trà Vinh, Bến Tre, thì mặn đã theo quy luật nhất định mà người dân đã nắm bắt được nên họ đã thích nghi tốt hơn. Còn diễn biến mặn tại Vĩnh Long thời gian qua còn có yếu tố bất thường thì người dân ứng phó bị động cũng là điều dễ hiểu.

Rõ ràng việc tìm ra quy luật biến đổi dựa trên cơ sở dữ liệu quan trắc chính xác có ý nghĩa quyết định giúp ngành chuyên môn đưa ra được cảnh báo sớm và người dân ứng phó chủ động và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, ông Trần Hữu Tín cho rằng việc cấp bách hiện nay là sớm thành lập Trung tâm Quan trắc dữ liệu ĐBSCL.

Bên cạnh đó, phải xây dựng cho được chiến lược lâu dài và ngắn hạn ứng phó BĐKH ở ĐBSCL cũng như kế hoạch liên vùng, đánh giá cho được tác động của BĐKH đến kinh tế- xã hội, đời sống người dân từ đó đề ra các giải pháp phù hợp.

Nguồn lực con người và tài chính cho việc ứng phó cần được tăng cường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về BĐKH nên được chú trọng hơn nữa, phải tuyên truyền đậm nét như việc truyền thông nói không với thực phẩm bẩn.

Kịch bản ứng phó phù hợp

Kết quả khảo sát, giám sát tại các địa phương, đơn vị có thể đi đến nhận định rằng dưới tác động BĐKH và cả con người, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn đã, đang, sẽ xảy ra và kéo dài. Do đó, việc nâng cao năng lực cảnh báo sớm và giám sát mặn là rất quan trọng để người dân có giải pháp phù hợp để sống chung với xâm nhập mặn.

Theo đánh giá chung, thời gian qua, mặc dù các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn của tỉnh đã được triển khai nhưng công tác điều hành vẫn còn chưa được chủ động, cần phải đánh giá lại các mặt, nhất là tác động của BĐKH đối với nguồn nước.

Từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp, xây dựng cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ gắn với chiến lược truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Theo ông Đoàn Hùng Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện (Trà Ôn) thì việc trước mắt vẫn là hỗ trợ chuyển đổi cây trồng đối với vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cần phải đốn bỏ.

Song song đó là nạo vét một số tuyến kinh nội đồng để trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, thì cho rằng cần bố trí các công trình thủy lợi, thu hồi đất để đào ao trữ nước ngọt cho nhà máy nước và trạm cấp nước để đảm bảo nước sinh hoạt khi xâm nhập mặn kéo dài và độ mặn lên cao.

Qua làm việc với các địa phương, đơn vị, ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế ngân sách (HĐND tỉnh) lưu ý đối với ngành nông nghiệp nên tiếp tục tổ chức tốt công tác quan trắc dữ liệu, dự báo độ mặn và thông tin rộng rãi để người dân nắm bắt kịp thời ứng phó, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương để thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng do ngành quản lý.

Một tuyến kinh trữ ngọt được đầu tư xây dựng giúp bảo vệ sản xuất lúa.
Một tuyến kinh trữ ngọt được đầu tư xây dựng giúp bảo vệ sản xuất lúa.

Qua làm việc với các địa phương, đơn vị, ông Nguyễn Thành Nghiệp góp ý, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong ứng phó BĐKH, khô hạn và xâm nhập mặn, trên cơ sở dữ liệu quan trắc thông tin kịp thời, cảnh báo sớm để người dân ứng phó hạn, mặn. Bên cạnh, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả các công trình phòng chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó BĐKH, xâm nhập mặn lâu dài, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT- cho rằng cần tranh thủ các nguồn hỗ trợ để thực hiện dự án ưu tiên trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cũng như cần có quy chế phối hợp thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với BĐKH, trong đó có ứng phó với xâm nhập mặn.

Bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn, một trong những giải pháp hữu hiệu và lâu dài nhất chính là nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ môi trường sống, tôn trọng và sống hòa thuận với tự nhiên, hạn chế tối đa việc tác động làm thay đổi, tổn thương thiên nhiên.

Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiểu các thiệt hại, ứng phó với thiên tai và BĐKH.

 

Ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách (HĐND tỉnh), đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù đối với công trình khắc phục thiên tai. Ngoài ra, cần rà soát chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, tăng cường tính khả thi và những điều kiện thuận lợi để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ứng phó với BĐKH.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÀNH LONG