Cần giải pháp đột phá ứng phó xâm nhập mặn

Cập nhật, 08:31, Thứ Ba, 16/05/2017 (GMT+7)

Mặc dù đã bước vào đầu mùa mưa, nhưng việc ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), khô hạn, xâm nhập mặn và giữ đủ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt vẫn đang là bài toán đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài, đòi hỏi cần phải có giải pháp mang tính đột phá, để phát triển sản xuất và đời sống ổn định, bền vững.

Nguồn lực tài chính đầu tư vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn còn hạn chế.
Nguồn lực tài chính đầu tư vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn còn hạn chế.

Kỳ 1: Mặn không còn bất ngờ nhưng lại khá “mẫn cảm”

BĐKH đã và đang có những tác động ngày càng rõ hơn đến đời sống kinh tế- xã hội, đặc biệt hiện tượng El Nino gây thiên tai nặng nề kéo dài nhất trong lịch sử, gây hạn hán tại nhiều khu vực trong cả nước, xâm nhập mặn sâu và kéo dài tại vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, dân sinh.

Mặn lấn ruộng vườn,  vào cả bàn ăn

Tại huyện Vũng Liêm, mặc dù chính quyền địa phương rất quan tâm đầu tư các công trình ứng phó BĐKH và từng bước nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự chia sẻ thông tin giữa các ngành, thiếu vốn đầu tư cho các công trình, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng.

Cụ thể, tại kinh Phong Thới (thị trấn Vũng Liêm), nguồn nước bị ô nhiễm nặng từ việc đóng cống ngăn mặn và chất thải chăn nuôi, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được thải trực tiếp xuống kinh.

Bà Nguyễn Thị Thảo (ấp Phong Thới) cho biết: Nguồn nước trong kinh không chỉ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn mà còn bị ô nhiễm trầm trọng, dùng để tắm thì rất ngứa, khi sử dụng phải lệ thuộc cống và phải lóng nước cả tháng mới xài được, mỗi lần tới đợt sạ lúa thì nước đục như nước cơm vo.

Mãi tới gần đây, khi được đầu tư kéo đường ống nước sạch về đã phần nào hạn chế những khó khăn, bức xúc của người dân nơi đây.

Theo bà Lê Thị Xuân (ấp Rạch Sâu, xã Quới Thiện- Vũng Liêm): “Năm rồi, khi mới ảnh hưởng xâm nhập mặn, tui không biết gì nên xách lên nấu nước châm trà uống không được. Ngoài ra còn tưới hư hơn chục cây xoài, phải tỉa nhánh bỏ. Nhờ dưỡng tốt nên năm nay đang dần hồi phục lại và đang trổ bông.

Theo kinh nghiệm của tui, khi nước rong và có gió chướng mạnh thì nước mặn sẽ lên, tui cũng thường nghe thông tin từ báo, đài để nắm tình hình coi sao và đã có chuẩn bị sẵn một số lu nước lớn để trữ nước, phòng khi hạn- mặn thì có nước ngọt để xài”.

Tại xã Tích Thiện (Trà Ôn), năm qua, khô hạn, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân, thiệt hại trên 300ha. Xã đã đề nghị hỗ trợ và cấp phát trên 235 triệu đồng cho những hộ bị thiệt hại nặng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến hạn, mặn, tăng cường khảo sát, đo độ mặn ở các tuyến sông chính để kịp thời thông báo cho người dân chủ động ứng phó, khuyến cáo lịch thời vụ nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn, đồng thời vận động, khuyến khích người dân sử dụng giếng khoan, trữ nước ngọt, bảo vệ nguồn nước, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đến vườn cam của ông Lê Văn Văn (ấp Mỹ Thạnh B, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn), nhìn cây rất nhỏ, cứ nghĩ là mới trồng gần đây, nhưng ông cho biết cây đã 3 năm tuổi nhưng không phát triển nổi, do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn vừa qua nên toàn bộ vườn cam số thì còi cọc, số thì chết.

“Trước giờ tui đâu có biết xâm nhập mặn là gì nhưng khi tưới thấy cây bị suy, tui lội xuống mương hớp thử 1 ngụm nước thì thấy mặn chát”- ông Văn kể.

Ứng phó thiếu chủ động

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, nhu cầu kinh phí thực hiện ứng phó BĐKH rất lớn nên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai các giải pháp, các dự án ưu tiên.

Thiếu nhân lực, kinh phí, cơ chế, chính sách để tăng cường năng lực cộng đồng ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai. Đối với khô hạn, xâm nhập mặn chỉ ứng phó cấp tiểu vùng. Các cống lớn ngăn mặn ở đầu các vàm sông, kinh rạch và các kinh trục tiếp nước cho vùng nhiễm mặn chưa được triển khai xây dựng.

Người dân hiện rất cần sự trợ lực của ngành chuyên môn trong việc ứng phó xâm nhập mặn.
Người dân hiện rất cần sự trợ lực của ngành chuyên môn trong việc ứng phó xâm nhập mặn.

Qua khảo sát, giám sát tại các địa phương đơn vị, ông Nguyễn Thành Nghiệp- Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh- nhận định: Công tác tuyên truyền chưa sâu, hiệu quả chưa cao, nhận thức của người dân còn hạn chế; công tác phối hợp, lồng ghép nâng cao nhận thức cộng đồng ứng phó BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn chưa chặt chẽ.

Việc ứng phó BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn trong nhân dân còn thiếu chủ động, còn trông chờ Nhà nước hỗ trợ.

Ngoài ra, việc lồng ghép BĐKH vào các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành chưa được quan tâm đúng mức, điều chỉnh các quy hoạch còn lúng túng, chưa xác định nội dung lồng ghép, nội dung thích ứng. Hoạt động của BCĐ ứng phó với BĐKH còn hạn chế, thiếu đồng bộ và chưa kịp thời củng cố, bổ sung các thành viên BCĐ.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tho, nguồn lực tài chính đầu tư vào các dự án ứng phó BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn còn hạn chế nên chưa đảm bảo nhu cầu đầu tư xây dựng dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Quá trình khảo sát một số công trình chủ đầu tư chưa chặt chẽ, dẫn đến thiết kế chưa sát thực tế, do đó phải điều chỉnh thiết kế dự toán, làm kéo dài thời gian thi công.

Trong khi đó, các địa phương giải phóng mặt bằng còn chậm chưa theo tiến độ thời gian, nên kéo dài thời gian thi công.

Người dân ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn chưa thể chủ động ứng phó một phần cũng do kinh phí cho công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên chưa được triển khai rộng rãi trong các đoàn thể chính trị- xã hội và trong nhân dân trên địa bàn.

 

Năm 2016, ảnh hưởng của BĐKH, khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại gần 300 tỷ đồng và hậu quả đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân- nhất là đối với một số vùng trồng cây ăn trái ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít.

>> Kỳ tới: Cần xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp

  • ™Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÀNH LONG